Tận lực với nghề truyền thống
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:43, 22/03/2016
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung trong gian hàng sản phẩm mây tre đan tại Hội chợ Làng nghề Việt Nam. |
Không chịu khuất phục số phận
Chúng tôi may mắn gặp ông Nguyễn Văn Trung (sinh năm 1953) tại Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ XI. Khi đó, ông cùng những người bạn nghề đang bận rộn bài trí sản phẩm trưng bày tại hội chợ. Xong việc, người đàn ông dáng nhỏ nhắn, có nụ cười hiền, đôi mắt sáng, tập tễnh lấy cây sáo trúc say sưa thổi. Tiếng sáo khi nỉ non, khi tươi vui như kể câu chuyện về cuộc đời. Chúng tôi ra bắt chuyện và nghe ông kể về nghề mây tre đan Phú Vinh, về cuộc đời...
Làng Phú Vinh xưa có tên gọi là làng Cò Đậu, bởi quanh năm gắn với sông nước. Người dân không có ruộng sản xuất nên chỉ lấy mây về đan đơm, đó bắt cá, làm nón che mưa, đội đầu. Dần dần, người làng nghĩ đến làm cái rổ đựng rau, làm giỏ đựng hoa quả...
Người dân nơi khác thấy dân làng Cò Đậu làm đồ mây đẹp, mới tìm đến mua. Dân làng nghĩ ra cách đan những thứ gần gũi, tiện dụng như rổ, rá... gánh bộ đi Hải Phòng, Nam Định bán. Năm 1670, một thương nhân người Trung Quốc đã đến tận làng thu mua sản phẩm và đổi tên làng thành Phú Hoa Trang - với ý nghĩa là nơi trời phú cho đôi bàn tay tài hoa.
Những năm đầu thế kỷ XVIII, tranh tứ quý Xuân, Hạ, Thu, Đông do nghệ nhân trong làng làm bằng mây tre đã trở nên nổi tiếng. Năm 1840, một thương nhân người Pháp cũng hỏi tìm về tận Phú Hoa Trang để mua sản phẩm mây tre độc quyền và đặt tên cho làng là Phú Vinh.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Trung là đời thứ 7 trong một gia đình gắn bó với nghề. Từ năm 8 tuổi, Nguyễn Văn Trung đã ngày một buổi đến lớp, thời gian còn lại đã kiên trì ngồi đan cho đến khi ngọn đèn dầu sắp cạn. Mùi mây tre của làng như quấn lấy tuổi thơ êm đềm của chàng trai trẻ. Bỗng nhiên, năm 17 tuổi, một cơn sốt "thập tử nhất sinh" kéo đến. Trung được chuyển đến hết bệnh viện này sang bệnh viện khác. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, anh mắc bệnh co cơ, lao xương, bệnh gan, viêm não và khuyên gia đình nên đưa về vì vô phương cứu chữa.
Về lại gia đình, người thanh niên xông xáo, hoạt bát hôm nào giờ đây khép mình trong ngôi nhà nhỏ. Chân phải của anh được nẹp lại. Suốt ngày nằm một chỗ, tưởng hy vọng về tương lai đã chấm hết. Nguyễn Văn Trung nhiều lúc muốn giải thoát cho chính mình. Tuy nhiên, những sợi mây, tre lẳng lặng góc nhà như một lời mời gọi. Tình yêu nghề lại trỗi dậy, thêm sự động viên của gia đình, anh nén đau, cần mẫn làm nghề. Nhìn những sản phẩm mình làm ra, lòng Trung như dịu lại, thấy cuộc đời có ý nghĩa hơn.
Chẳng biết có phải nhờ đời sống tinh thần vui vẻ hay những gói thuốc Nam cha mẹ kiên trì động viên uống mỗi ngày mà sức khỏe Nguyễn Văn Trung dần hồi phục. Chàng trai 17 tuổi bắt đầu tập đi như một đứa trẻ. Dù bước thấp bước cao bởi chân phải ngắn hơn chân trái, nhưng Trung vẫn quá đỗi hạnh phúc khi được đứng trên đôi chân của chính mình. Anh nhận ra những giá trị mới, yêu và say nghề hơn. Những ngày tháng đấu tranh với bệnh tật, chỉ làm bạn với nghề đã biến anh thành một người thợ giỏi.
Năm 1972, Nguyễn Văn Trung được các nghệ nhân trong làng Phú Vinh và chính quyền địa phương vận động vào Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Vinh và là Đội trưởng đội kỹ thuật. Cũng trong năm đó, sản phẩm mây tre đan của đội sản xuất do Nguyễn Văn Trung làm Đội trưởng đã giành giải nhất "Cuộc thi tay nghề giỏi ở làng Phú Vinh".
Năm 1980, Nguyễn Văn Trung giành giải "Tuổi trẻ sáng tạo" tại Liên Xô và được nhận vào học tại chức Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Năm 1982, ông được Ủy ban Khoa học Nhà nước và Bộ Đại học cử sang Cuba làm chuyên gia giúp nước bạn giảng dạy về làm hàng thủ công mỹ nghệ cho người dân nước bạn.
Làm sống lại làng nghề
Năm 1988, khi không còn bao cấp, thị trường nước ngoài suy giảm, sản phẩm mây tre đan Phú Vinh gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người dân trong làng bỏ nghề đi nơi khác kiếm sống. Làng nghề vắng vẻ, mây tre im lìm nơi góc nhà. Nghề truyền thống Phú Vinh tưởng như suy tàn...
Sau nhiều ngày đau đáu, Nguyễn Văn Trung bỏ dạy, trở về quê dựng lại nghề. Năm 1990, với số vốn ít ỏi có được, ông tập hợp 25 người trong làng thành lập tổ thợ. Thời điểm đầu, trăm nghìn khó khăn bủa vây, vợ con ông Trung đã có lúc phải đi vay từng bơ gạo để duy trì cuộc sống.
Tuy nhiên, là người năng động, sáng tạo, ông Trung đã sáng tạo những kiểu dáng mới cho các sản phẩm của làng nghề. Ông cho rằng, để làng nghề mây tre có thể phát triển bền vững, phải tìm được thị trường, phải đưa hàng mây tre sang Châu Âu, Châu Mỹ. Tưởng chỉ nói cho vui, ai dè ông Trung đi thật. Mới đầu, ông chuyển hàng đi trước bằng đường biển còn mình thì bay sang sau. Chưa có thị trường, ông thuê một ô tô chở hàng đi bán rong ở Anh, Pháp, Nhật, Đức. Ông đóng giá trên mỗi sản phẩm, nhờ lái xe bán giùm còn mình thì thổi sáo mời khách.
Từ những lần ấy, khách nước ngoài biết đến sản phẩm mây tre đan của Phú Vinh nhiều hơn. Các đơn đặt hàng, hợp đồng mua hàng cũng từ những chuyến bán rong ngày một nhiều lên. Dần dần, ông Trung tìm được đường vào hội chợ nước ngoài để giới thiệu sản phẩm. Làng nghề Phú Vinh từ đó sống dậy, người trong làng quay về với nghề truyền thống.
Nói về người nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, ông Trần Văn Phụng, Phó Chủ tịch xã Phú Nghĩa nhận xét: "Là một người khuyết tật nhưng Trung là một người rất tâm huyết, yêu nghề và mong muốn giữ nghề. Trong những công việc của làng nghề Phú Nghĩa chúng tôi, ông đã có những đóng góp vô cùng to lớn".
Năm 2005, ông Nguyễn Văn Trung thành lập Công ty TNHH Mỹ nghệ Hoa Sơn với mong muốn truyền và giữ nghề truyền thống của Phú Vinh. Năm 2007, ông thành lập Trung tâm dạy nghề tư thục mây tre đan cho cả người bình thường và người khuyết tật. Ông cũng tự tay soạn giáo trình đưa vào giảng dạy cho các giảng viên và sinh viên các trường. Từ khi thành lập đến nay, trung tâm của ông Trung đã đào tạo nghề cho hơn 800 người khuyết tật.
Để đào tạo cho người khuyết tật, ông Trung mất khoảng 6 tháng, trong khi người bình thường là 3 tháng. Người thân nhiều lần khuyên ông Trung nên thôi dạy người khuyết tật vì vất vả, lại phải lo chuyện ăn ở, sinh hoạt. Nhớ lại những năm tháng từng nếm trải thời tuổi trẻ, ông lại động viên mọi người cùng nhau cố gắng.
Ông Trần Văn Thức, một người bạn từ thời thơ ấu, người đồng nghiệp của ông Trung cho biết: "Bạn tôi là một người giỏi và yêu nghề. Ông ấy không bao giờ bằng lòng với những gì đã có mà luôn cải tiến, sáng tạo trong mỗi sản phẩm. Ông ấy là người quyết đoán, hết mình trong công việc nhưng lại rất bao dung và giàu lòng thương người".