Đầu tư vào tiền ảo - tiền mất, tật mang
Kinh tế - Ngày đăng : 06:40, 22/03/2016
Một buổi hội thảo của giới doanh nhân đầu tư vào Onecoin tại khách sạn Daewoo Hà Nội ngày 15-8-2015. |
Sau hàng loạt đồng tiền ảo như: Bitcoin, Onecoin, Gemcoin, ILcoin, cái tên mới nhất trong danh sách những đồng tiền điện tử được quảng cáo ở Việt Nam như kênh đầu tư siêu lợi nhuận, thu hút các nhà đầu tư tham gia là Octacoin. Dù mới phát hành, nhưng Octacoin được quảng bá đã tăng giá tới 140 lần cùng khả năng thanh khoản và hoa hồng cao… Anh Nguyễn Thanh Tùng, một nhà đầu tư lâu năm của Sàn chứng khoán Thăng Long cho biết, mấy tháng trước đây được một bạn thời đại học mời tham gia đầu tư vào Octacoin, vốn đầu tư ít, nhưng nhanh chóng thu lợi nhuận "khủng". Anh Tùng được người bạn cũ giới thiệu, phân tích rất kỹ về cách thức tham gia kênh đầu tư mới, với 5 gói đầu tư từ 150 euro (khoảng gần 4 triệu đồng) đến 25.050 euro (khoảng hơn 600 triệu đồng).
Hằng tuần, nhà đầu tư sẽ được chia 20% tiền lãi, hoa hồng trực tiếp, hoa hồng nhánh yếu và hoa hồng cộng hưởng, được tính theo tỷ lệ từ những người tham gia sau với mức 2-15%. Chẳng hạn, nếu nhà đầu tư tham gia gói Octacoin 25.550 euro, sau một tuần sẽ nhận được 2.020 euro tiền hoa hồng từ hệ thống. Tổng cộng số tiền cả gốc và lãi sau 6 tháng lên tới 66.874 euro, trong đó 54.035 euro được nhận trực tiếp và số còn lại sẽ được hưởng trong thời gian 6 tháng tiếp theo… Tuy nhiên, anh Tùng chia sẻ, chẳng có kênh đầu tư nào kiếm tiền dễ dàng và siêu lợi nhuận, nếu không tỉnh táo và hám lợi sẽ dễ dàng bị sập bẫy lừa đảo. Nếu lãi lớn như vậy, tại sao các tỷ phú trong nước không chọn để đầu tư mà phải đầu tư vào các kênh như xây dựng, hay bán lẻ cho vất vả?
Phân tích về kênh đầu tư này, chuyên gia phân tích tài chính Phan Chí Nhân (từng làm việc tại Sàn chứng khoán Thăng Long - Hà Nội) cho biết, đây thực chất là mô hình chia hoa hồng đa cấp, người vào sau trả tiền cho người trước. Người vào trước mong muốn lấy lại tiền nhanh thì lôi kéo người khác tham gia, cho đến khi số tiền gỡ được vượt quá số tiền bỏ ra. Từ đó mà mạng lưới "chân rết" của các đồng tiền ảo phát triển ngày càng mạnh. Rủi ro của mô hình đầu tư này là các loại tiền ảo, như Octacoin, Onecoin, Bitcoin… không thể trở thành đồng tiền thanh toán và không có giá trị thanh khoản, cũng không thể mua hàng hóa thông thường mà chỉ trao đổi, thanh toán trong nội bộ của một nhóm nhà đầu tư. Trong khi đó, yếu tố biến động về giá của tiền ảo lại rất cao, như Bitcoin đã từng rớt giá từ 1.000 USD/coin xuống còn khoảng 200 USD/coin…
Thực tế, năm 2014-2015, nhiều hệ thống tiền ảo như Bitcoin đã bị cấm giao dịch ở một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Nga… khiến nhà đầu tư và người dân bị thiệt hại nặng nề. Thời gian qua, cơ quan công an ở nước ta cũng đã nhận được nhiều đơn trình báo của nhà đầu tư tố cáo bị đối tác mua bán trên mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau khi chuyển tiền mặt vào tài khoản của họ, nhưng không nhận được tiền điện tử quy đổi. Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) khuyến cáo người dân thận trọng khi mua tiền ảo, hoặc dùng để thanh toán cho các giao dịch thương mại điện tử, tránh rủi ro bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi phía quản lý sàn giao dịch bán ra một lượng lớn tiền ảo và không muốn nhà đầu tư có cơ hội rút vốn, họ sẽ tìm cách xóa bỏ diễn đàn cũng như loại tiền ảo đã tạo ra.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hà Đông cho biết, ngay từ khi tiền ảo xuất hiện tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo khẳng định đây không phải là tiền tệ, không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Các tổ chức tín dụng cũng không được phép sử dụng các loại tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Bà Thùy Dương cảnh báo, biến tướng ở các dịch vụ tiền điện tử hay sàn vàng "chui" là huy động vốn trái phép với lãi suất cao, dưới dạng ủy thác đầu tư chứ không đơn thuần là mở tài khoản giao dịch. Hoạt động này Nhà nước không cho phép nên nhà đầu tư tham gia sẽ gặp nhiều rủi ro. Vì vậy, người dân không nên giao dịch mà nên chuyển vốn vào những kênh đầu tư hợp pháp khác.