Bài đầu: Những tín hiệu tích cực
Đời sống - Ngày đăng : 06:21, 22/03/2016
Bài đầu: Những tín hiệu tích cực
Trung bình mỗi năm, tổ chức Đoàn giúp khoảng 100.000 lao động có việc làm, trong đó khoảng 50% là thanh niên, chủ yếu ở khu vực nông thôn. Không những vậy, nhiều thanh niên đã được tổ chức Đoàn tư vấn, hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp thành công… Đây là kết quả nổi bật mà Đề án số 103 mang lại.
Đào tạo nghề vừa giúp thanh niên có việc làm ổn định, vừa khắc phục được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay. Ảnh: Khánh Huy |
Thay đổi tư duy giới trẻ
Trong khi các đồng môn cầm tấm bằng tốt nghiệp Viện Đại học Mở Hà Nội đôn đáo xin việc ở các cơ quan nhà nước, Tạ Tùy Duy sinh năm 1984, trở về quê (xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức) xây dựng mô hình trồng thanh long ruột đỏ và phật thủ. Sau nhiều ngày nghiên cứu thổ nhưỡng, tìm nguồn giống, học kỹ thuật, Duy lập đề án đề nghị vay vốn thông qua Thành đoàn Hà Nội. Khởi nghiệp với 30 triệu đồng vốn vay và cùng nguồn vốn của gia đình, trên diện tích 1ha, Duy xây 2 nhà màng nông nghiệp, 1 nhà kho và 1 nhà sơ chế, trồng 1.000 cây phật thủ, cắm 500 trụ thanh long. Đến nay, mô hình kinh tế của Duy đem lại doanh thu 1 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 400 triệu đồng, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương. Không chỉ vậy, Duy còn hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, giúp nhiều hộ cùng phát triển kinh tế và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Năm 2015, mô hình kinh tế của Duy được Trung ương Đoàn công nhận và trao giải thưởng Lương Định Của.
Cũng nhận thấy tính ưu việt của Đề án số 103, Hoàng Đình Nam, ở xã Tàm Xá, huyện Đông Anh đã quyết định gác bút nghiên dồn sức phát triển kinh tế VAC. Khởi nghiệp năm 2014 với 50 triệu đồng vốn vay nhờ sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn và gia đình, Nam xây dựng mô hình chăn nuôi bò sữa kết hợp với mở trạm thu gom sữa bò tại địa phương. Đến nay, cơ sở kinh tế của Nam cho thu nhập 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho gần chục lao động.
Đó chỉ là 2 trong số nhiều đoàn viên thanh niên đã mạnh dạn thay đổi tư duy, vay vốn với sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn để lập thân, lập nghiệp ngay tại quê hương. Không chỉ thanh niên ngoại thành, giới trẻ ở đô thị cũng có sự thay đổi tích cực về nhận thức khi xác định vào đại học, xin việc ở cơ quan nhà nước... không còn là sự lựa chọn duy nhất. Phạm Ngọc Cường, ở số nhà 40 Cầu Đất, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm đã quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân chuyên ngành điện tử, giúp gần chục thanh niên có việc làm, thu nhập ổn định. Cường cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học đã chọn hướng kinh doanh thay vì tìm việc trong cơ quan nhà nước. Từ kinh nghiệm bản thân, Cường khuyên anh em, bạn bè chọn nghề phù hợp năng lực, không nhất thiết phải đỗ đạt mới có thể lập nghiệp được.
Đồng hành với thanh niên
Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng cho biết, ngay khi Đề án số 103 ra đời, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất thực hiện dự án đầu tư xây dựng các trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên tại 10 địa phương, gồm: Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình, Khánh Hòa, Gia Lai, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Đồng thời, các đơn vị phối hợp triển khai thực hiện Đề án số 103 bằng các đề án, chương trình dạy nghề, giải quyết việc làm cụ thể; xây dựng chính sách nhằm trợ giúp, khuyến khích thanh niên tham gia học nghề, tìm việc làm như: Chính sách hỗ trợ tín dụng cho học sinh, sinh viên; chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn... Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn chỉ đạo 63 Tỉnh, Thành đoàn ban hành kế hoạch, tham mưu thực hiện các đề án về tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với thanh niên.
Để nâng cao hiệu quả của Đề án, một số địa phương bố trí kinh phí triển khai thực hiện. Theo đó, các đơn vị đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, xây dựng nhiều chuyên mục, chương trình truyền thông về học nghề, tạo việc làm cho thanh niên; tổ chức giao lưu trực tuyến về dạy nghề, giải quyết việc làm... Đặc biệt, tổ chức Đoàn cả nước đã bồi dưỡng nghiệp vụ về hướng nghiệp cho 42.775 lượt cán bộ đoàn các cấp (đạt 71,3%) và tập huấn cho 30.075 lượt cán bộ làm công tác liên quan đến việc làm để hỗ trợ thanh niên thực hiện các thủ tục vay vốn, khởi nghiệp. Tại Hà Nội, Phó Bí thư Thành đoàn Nguyễn Khánh Bình cho biết đã mở lớp đào tạo nghề cho hơn 9.000 thanh niên, tư vấn việc làm cho hơn 32.000 thanh niên, giới thiệu việc làm cho gần 33.000 thanh niên. Thành đoàn cũng hỗ trợ gần 10.000 thanh niên vay khoảng 112 tỷ đồng để khởi nghiệp; tổ chức 430 buổi tập huấn khoa học kỹ thuật cho 5.000 cán bộ đoàn chủ chốt và hơn 67.000 lượt thanh niên...
Không chỉ vậy, Đề án số 103 còn hướng tới đối tượng là học sinh THCS, THPT tại 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung khi đã tư vấn hướng nghiệp trực tiếp 175.000 lượt học sinh khu vực này. Một số địa phương còn chủ động mở rộng đối tượng thụ hưởng Đề án như Thành đoàn TP Hồ Chí Minh triển khai chiến dịch tiếp sức người lao động tại bến xe, nhà ga và huyện nghèo; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 45.000 lượt người. Ban điều hành Đề án số 103 còn chủ động phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam thực hiện chương trình "1.000 doanh nhân trẻ truyền kinh nghiệm cho thanh niên qua E-learning", hỗ trợ trực tiếp thanh niên khởi sự doanh nghiệp thông qua cung cấp kiến thức, vốn vay... Tất cả những việc làm đó góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên nói riêng, xã hội nói chung về học nghề, lập nghiệp, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Sau gần 7 năm triển khai Đề án số 103, cả nước hỗ trợ giải quyết việc làm cho 43.143 lao động. Hiện nay, Đoàn Thanh niên quản lý trên 326 tỷ đồng từ nguồn vốn vay Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm (Chương trình 120). Trong đó, vốn vay qua kênh Trung ương Đoàn là 72 tỷ đồng, kênh địa phương là 254 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho thanh niên phát triển trên 3.978 dự án nhỏ, giải quyết việc làm cho trên 25.000 đoàn viên, thanh niên. |