Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Pháp Claude Bartolone

Đối ngoại - Ngày đăng : 06:29, 21/03/2016

Chiều 20-3, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Pháp Claude Bartolone đang thăm chính thức Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Pháp Claude Bartolone sang thăm chính thức Việt Nam. Ảnh: TTXVN


Tại cuộc tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Quốc hội Pháp tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện để quan hệ giữa hai nước được duy trì và phát huy thông qua việc tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và giao lưu nhân dân, đẩy mạnh hợp tác về thương mại - đầu tư, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và ứng phó với biến đổi khí hậu... cả ở cấp trung ương và địa phương một cách thiết thực, hiệu quả. Tổng Bí thư cũng đề nghị Quốc hội và Thượng viện Pháp quan tâm thúc đẩy, góp phần tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU); hoan nghênh việc Quốc hội Pháp vừa qua đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện (PCA), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư ghi nhận tiếng nói tích cực của chính giới và công luận Pháp đối với tình hình khu vực, ủng hộ lập trường của Việt Nam giải quyết hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế các tranh chấp ở Biển Đông cũng như trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Claude Bartolone chúc mừng thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII và chúc mừng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định Pháp coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực, coi trọng việc tăng cường quan hệ với Việt Nam; ủng hộ những định hướng phát triển của Việt Nam đề ra tại Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam; cam kết triển khai các thỏa thuận với Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên theo tinh thần Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước ký kết tháng 9-2013. Chủ tịch Quốc hội Pháp Claude Bartolone cũng bày tỏ ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và các thỏa thuận của khu vực. 

HNM