Con người văn hóa thúc đẩy tiến bộ xã hội

Xã hội - Ngày đăng : 06:03, 21/03/2016

(HNM) - Văn hóa là kết quả sáng tạo của con người, văn hóa là yếu tố thúc đẩy tiến bộ xã hội. Xã hội văn minh, tiến bộ là môi trường nảy nở những sáng tạo mới của con người. Như thế, văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu xây dựng con người và xã hội tiến bộ.


1. Dân tộc ta sáng tạo ra văn hóa làm vũ khí dựng nước và giữ nước. Có văn hóa là có tất cả, mất văn hóa là mất nước. Vì lẽ đó, văn hóa là động lực nội sinh. Tách văn hóa và tiến bộ xã hội ra làm hai thành tố chỉ là tương đối. Hai thành tố đó có trong nhau, làm nên nhau, thúc đẩy nhau. Nhờ thế, văn hóa luôn được nâng tầm, còn tiến bộ xã hội luôn được bồi đắp. Tài sản quý giá cha ông ta từ ngàn năm để lại là văn hóa dân tộc, sức sống nội sinh này là sức mạnh làm nên sự trường tồn dân tộc. Sự nghiệp đổi mới cũng phải xuất phát từ văn hóa, bằng văn hóa để đổi mới chính trị, kinh tế, giáo dục… Văn hóa phải được nhìn nhận như sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình đổi mới mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Người ta cho rằng, tiến bộ xã hội là chuỗi chuyển động không ngừng của xã hội theo hướng đi lên, là sự biến đổi tất yếu loại trừ cái lạc hậu, rào cản phát triển bằng những nhân tố tích cực mang tính thúc đẩy về mọi mặt. Nói cách khác, tiến bộ xã hội là kết quả hoạt động của con người. Hoạt động của con người là động lực thúc đẩy tiến bộ xã hội. Mỗi bước tiến bộ xã hội đều thể hiện sức mạnh của con người trước tự nhiên và trước bản thân mình. Tiến bộ xã hội là sự phát triển con người một cách toàn diện, phát triển các quan hệ xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.

30 năm đổi mới đất nước đã có một bước tiến dài, đúng như Đảng và Nhà nước nhận định: Đạt nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử và mang tầm vóc quốc tế, vị thế quốc gia được khẳng định trong khu vực và quốc tế. Văn hóa và tiến bộ xã hội đã có bước tiến nhất định. Và, cái được nổi trội là tinh thần dân chủ được khai phóng để phát triển văn hóa và con người văn hóa trong mối quan hệ với thúc đẩy tiến bộ xã hội... Thành tựu 30 năm được khẳng định, đó là điều chắc chắn! Tuy vậy, những bước đi từ văn hóa thực sự chưa bền vững, đó lại là điều cần phải ngẫm suy.

Nghị quyết TƯ 9, khóa XI nhận định: So với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng… Đồng thời, Nghị quyết cũng chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do nhiều cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ lĩnh vực văn hóa. Việc cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết của Đảng còn chậm. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa chậm được đổi mới, thậm chí buông lỏng; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm…

Một câu hỏi đặt ra tại sao thành tựu đổi mới to lớn thế lại không đủ lực cuốn trôi những lực cản đang gây nhức nhối trong xã hội?

2. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Văn hóa soi đường quốc dân đi". Hiểu rộng ra, văn hóa là phương tiện phát triển đất nước bền vững nhất. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa chỉ có thể trên nền văn hóa mới nhanh và bền vững được.

Tại sao nhiều nước trong khu vực như Hàn Quốc hay Singapone có tốc độ phát triển nhanh đến thế? Phải chăng các chính sách của họ có tính khả thi cao, họ phát triển bằng văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ? Chắc chính sách phát triển của họ về những vấn đề trên rất hữu dụng nên đất nước họ đã hóa rồng, chất lượng cuộc sống của người dân rất cao, đất nước là điểm đến của thế giới, đến làm giàu cho họ. Nay họ đầu tư mạnh vào Việt Nam đủ thấy vị thế nội lực quốc gia của họ ra sao.

Còn ở ta, những khuyết tật xã hội tiếp tục kìm hãm việc đưa giáo dục, khoa học, công nghệ trở thành phương tiện quốc sách hàng đầu phát triển đất nước. Một bộ phận dân chúng làm ăn theo kiểu chụp giật, năng suất lao động quá thấp, lấy lợi ích trước mắt làm trọng. Tâm lý vun vén theo kiểu "ích kỷ, hại nhân" (lợi mình, hại người) gây bức xúc cho mọi người ngay từ bữa cơm hàng ngày thì con người làm sao có thể lớn lên được...

Chặng đường 30 năm đổi mới đã qua, thành tựu giành được ở trong nước và trên trường quốc tế thật đáng tự hào, song những khuyết tật sinh ra trên chặng đường này ẩn chứa những nguy cơ khôn lường cho vận mệnh đất nước. Ai cũng nhận ra điều đó và đang góp sức mình để khắc phục, nhưng kết quả chưa chuyển biến rõ rệt, thực tế có phần phức tạp hơn. Khuyết tật là những vấn đề cấp bách, mà vẫn chưa cấp bách khắc phục được. Để mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" sớm dần thành hiện thực thì cần thiết phải nhìn thấu cái cội nguồn sinh ra khuyết tật.

Phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế… Như vậy, rõ ràng văn hóa chưa được chú trọng đúng mức và minh chứng là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) về văn hóa, thì cái chưa đạt lại là con người - chủ thể văn hóa. Văn hóa và kinh tế hai lĩnh vực có quan hệ tương hỗ, thúc đẩy lẫn nhau, trong đó văn hóa là nền tảng tinh thần của phát triển. Đại hội XII mở ra thời kỳ trách nhiệm mới với thời cơ và thách thức mới. Trước hết phải là trách nhiệm xây dựng con người văn hóa để thúc đẩy tiến bộ xã hội, trong đó cần thiết, cơ bản là thực hành dân chủ trên thực tế để đưa Nghị quyết TƯ 9, khóa XI đi vào cuộc sống. Đó là tiền đề, là môi trường, là ánh sáng soi đường quốc dân thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thành công. Chắc chắn, phát triển đất nước phải bắt đầu từ văn hóa, đi lên từ văn hóa, trong mỗi sản phẩm đổi mới phải coi văn hóa là tố chất hồn cốt.

Hồn cốt của văn hóa thời đại hôm nay hình thành từ dân chủ, song hành cùng thực hành dân chủ. Đó là nền tảng giá trị tinh thần xuyên suốt quá trình đổi mới toàn diện, đồng bộ chính trị, giáo dục, khoa học, kinh tế, quan hệ bang giao vì sự ổn định môi trường để phát triển; đồng thời là chiến lược phát triển con người, chủ thể sáng tạo văn hóa phát triển.

PGS.TS Phạm Xuân Hằng