Hỗ trợ doanh nghiệp nội địa chiếm lĩnh thị trường
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:02, 20/03/2016
- Gần đây, ở lĩnh vực bán lẻ xuất hiện làn sóng doanh nghiệp nước ngoài mua lại các siêu thị trong nước. Là người có thâm niên theo dõi lĩnh vực này, ông có thể đưa ra một vài lý giải?
- Vài năm gần đây, thị trường Việt Nam chứng kiến một loạt vụ mua bán cơ sở bán lẻ nội địa của các nhà đầu tư nước ngoài. Nguyên nhân chính là sự hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam với quy mô hơn 90 triệu người tiêu dùng, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, đa số là dân số trẻ (sức mua cao). Giai đoạn 2010-2014, tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bình quân đạt 11-15%/năm; riêng năm 2015 đạt 9,5%. Bên cạnh đó, thị trường nông thôn hầu như chưa được khai thác...
Vì vậy, có thể nói là còn nhiều dư địa để các nhà đầu tư siêu thị phát triển. Đáng chú ý, với những cam kết mở cửa thị trường khi Việt Nam đã, đang và sẽ thực thi các hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu, Hàn Quốc, ASEAN và nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì "miếng bánh" bán lẻ lại càng trở nên hấp dẫn hơn.
- Theo ông, doanh nghiệp "nội" cần làm gì để trụ vững trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng?
- Nói một cách công bằng, những năm qua, hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp Việt Nam cũng có nhiều tiến bộ. Hàng loạt siêu thị, chuỗi phân phối của doanh nghiệp nội địa đang hoạt động trên thị trường đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, một số điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp Việt vẫn còn bộc lộ như vốn ít, chiến lược kinh doanh chưa đầy đủ, nguồn nhân lực hầu như chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp (trong lĩnh vực bán lẻ)... Sự liên kết với sản xuất và giữa các đơn vị với nhau còn lỏng lẻo, sức mạnh tổng hợp chưa được phát huy...
Đó là cơ hội để doanh nghiệp nước ngoài lấn tới, bởi họ rất mạnh về vốn, kỹ năng quản trị, kinh nghiệm. Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài này còn đồng thời là chuỗi thu mua, phân phối toàn cầu, cơ chế tài chính - hoạt động rất linh hoạt. Vì vậy, hàng hóa họ cung cấp vừa có chất lượng vừa rẻ hơn các siêu thị nội địa. Đây là cuộc cạnh tranh không cân sức trên "sân nhà". Vấn đề đặt ra là trong quá trình vừa cạnh tranh vừa hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp nội địa phải khắc phục bằng được các điểm yếu trên. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp là quan trọng nhất.
Riêng với doanh nghiệp bán lẻ nhà nước, cần đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, với nguyên tắc Nhà nước không cần giữ hơn 50% vốn điều lệ, từ đó tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia quản lý và kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt, phải tránh tâm lý dựa dẫm, "không chịu lớn", dẫn tới tiếp diễn vai trò mờ nhạt trên thị trường như hiện nay.
- Hiện tại, sự hỗ trợ của Nhà nước dành cho doanh nghiệp phân phối trong nước đã hợp lý, thưa ông?
- Trong khoảng 10 năm qua, Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách, cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp phân phối phát triển, đơn cử như chính sách phát triển thị trường nông thôn, các quy hoạch về phát triển mạng lưới bán lẻ tầm nhìn đến 2020... Tuy nhiên, những hỗ trợ đó chưa đủ. Cụ thể, danh mục đầu tư vào các siêu thị và trung tâm thương mại đối với nhà đầu tư trong nước chưa được khuyến khích, sự hỗ trợ về thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, kho dự trữ, chợ đầu mối, sàn giao dịch hàng hóa chưa được hoàn thiện hoặc quan tâm đúng mức.
Sản xuất - là đầu vào của bán lẻ - còn manh mún, giá cả cao, chất lượng không ổn định. Những năm qua cũng chứng kiến sự ưu ái của không ít địa phương dành cho các nhà đầu tư nước ngoài (lĩnh vực bán lẻ) về thủ tục thành lập, mặt bằng (vị trí đẹp, cửa ngõ các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh...), chi phí thuê mặt bằng (ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất)... Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần kiến tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng. Có như vậy, các doanh nghiệp trong nước, từ doanh nghiệp sản xuất đến nhà phân phối mới yên tâm đầu tư, phát triển để đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với "đối thủ" nước ngoài.
- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!