Trung Đông - Bài toán nan giải cho người kế nhiệm ông Obama
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 17:42, 19/03/2016
Trung Đông hỗn loạn chưa từng có
Nội chiến Syria đã bước sang năm thứ 6 và khiến cho gần nửa dân số nước này phải rời bỏ nhà cửa. |
Thậm chí cho dù luôn luôn bất ổn, cõ lẽ chưa khi nào Trung Đông lại rơi vào tình trạng hỗn loạn như hiện nay. Xung đột Syria gây những hệ lụy thảm khốc. Ước tính gần 300.000 người chết, đất nước bị tàn phá tan hoang, làn sóng tị nạn bùn lên ở châu Âu. Và từ mảnh đất hoang tàn ấy cái quái thai Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trỗi dậy…
Một đất nước được xem là hình mẫu của sự chuyển giao chính quyền trong hòa bình là Tunisia hiện cũng bị đe dọa bởi cực đoan và khủng bố. Al-Qaeda hồi sinh ở Yemen. Nội chiến vẫn đang diễn ra ở Libya, cùng với khủng hoảng lan rộng ở Algeria, Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, vấn đề Iran vẫn gây bất ổn trong khu vực với căng thẳng tiếp diễn giữa Iran và Saudi Arabia, có nguy cơ dấy lên một cuộc xung đột tôn giáo đầy máu lửa giữa người Shia và người Sunni. Iraq thì từ sau khi Mỹ rút quân năm 2011, tiếp tục rơi vào cuộc nội chiến mới và trở thành địa bàn hoạt động của phiến quân Nhà nước Hồi giáo IS.
Các quốc gia khác trong khu vực như Kuwait, Morocco, Oman, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất thì đang lúng túng và không biết phải hành động ra sao trong bối cảnh khu vực hỗn loạn chưa từng có. Thậm chí Ai Cập, quốc gia A-rập rộng lớn và đông dân nhất cũng đang phải vật lộn đấu tranh trong quá trình chuyển đổi chính trị sau chế độ của nhà độc tài Hosni Mubarak.
Chiến lược “từ bỏ Trung Đông” của ông Obama
Tổng thống Barack Obama chủ trương hạn chế can dự vào khu vực Trung Đông. |
Đã có nhiều nhận định khác nhau về nguyên nhân của những biến động khủng khiếp từ “Mùa xuân Arab” ở Trung Đông - Bắc Phi. Nhưng có một yếu tố quan trọng gây ảnh hưởng lớn. Đó là khoảng trống mà Mỹ để lại tại khu vực sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama bước vào Nhà Trắng từ đầu năm 2009.
Vừa nhậm chức, ông Obama thực thi ngay đường lối chiến lược “từ bỏ Trung Đông”, tập trung vào 3 nội dung chính. Đó là nhanh chóng rút khỏi Iraq, giải quyết dứt điểm xung đột Israel - Palestine và không can dự vào bất cứ cuộc xung đột nào nữa ở khu vực này. Và đến cuối năm 2011, Mỹ rút quân khỏi Iraq.
Lập tức cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shia ở Iraq bùng lên. Dòng Shia phải nương tựa Iran để giành ưu thế. Nhà nước Hồi giáo Shia Iran có cớ nhảy vào Iraq, khiến dòng Sunni thêm phẫn nộ và quyết cầm súng “tự vệ”. Do đó, tổ chức al-Qaeda Iraq - từng đã bị lực lượng Mỹ thời cựu Tổng thống George W. Bush đánh tan tác từ năm 2008 – có cơ hội hồi sinh.
Can dự hay tiếp tục “từ bỏ”
Dù nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra nhưng chưa ứng viên nào cho thấy được một quan điểm rõ ràng về vấn đề Trung Đông. |
Bình luận trong tạp chí “Foreign Affairs” (Chính sách đối ngoại) về những thách thức mà Mỹ đang phải đối mặt, Ken Pollack cho hay: “Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn ở Trung Đông: Làm nhiều hơn nữa để ổn định khu vực, hay tiếp tục bớt hiện diện ở đây. Tuy nhiên, dù là tiến lên hay lùi bước cũng sẽ khiến Mỹ hao tổn hơn tưởng tượng rất nhiều.
Việc ổn định khu vực chắc chắn sẽ đòi hỏi nhiều hơn nữa mọi nguồn lực, năng lượng và sự tập trung chính trị. Tương tự, việc Mỹ nới lỏng hơn nữa cam kết với khu vực và từ bỏ quyền kiểm soát cũng sẽ mang tới nhiều rủi ro nghiêm trọng”.
“Tuy cách nào cũng gây tổn thất, nhưng chi phí cho việc tăng cường can dự dẫu sao vẫn còn có thể chấp nhận được trong khi các nguy cơ tiềm tàng từ việc rời bỏ khu vực là không thể tính toán hết”.
Theo học giả trên, suy cho cùng tổng thống Mỹ tiếp theo vẫn nên đưa ra một lựa chọn rõ ràng, sau khi đã cân nhắc kĩ lưỡng. Chọn “tiến” hay chọn “lùi” dù sao vẫn tốt hơn là không có lựa chọn nào và cứ để mọi thứ rối bời trong tình trạng mông lung như vậy.
Cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 đã bắt đầu, nhưng chưa có ứng viên nào cho công chúng thấy một tầm nhìn về chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực Trung Đông. Tất cả các ứng cử viên vẫn chỉ tiếp tục phản ứng rời rạc với từng sự kiện, tuyên bố rằng họ sẽ làm gì và không làm gì nhằm thu hút sự ủng hộ trong cuộc vận động tranh cử, mà không thể đưa ra một sách lược thực tế và khả quan cho khu vực hiện thời. Đây rõ ràng là vấn đề cần phải được đề cập trong cuộc bầu cử tổng thống của một đất nước như Mỹ.