Thay đổi cách tính thuế nhập khẩu xăng, dầu trong giá cơ sở

Kinh tế - Ngày đăng : 15:32, 19/03/2016

(HNMO) - Thay vì xác định mức thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng, dầu như trước, thời gian tới sẽ xác định theo mức bình quân gia quyền của các biểu thuế (MFN và FTA), tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu từ các nước ký biểu thuế FTA được xác định theo quý.


Ngày 19/3, Bộ Tài chính đã thông tin thêm về chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu. Bộ này thừa nhận hiện nay có sự chênh lệch về thuế nhập khẩu giữa các thị trường khác nhau do Việt Nam ký các Hiệp định thương mại tự do (FTA), cụ thể là có sự chênh lệch thuế suất theo thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) và FTA.

Chênh lệch thuế

Theo cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do, các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu đang trong lộ trình giảm dần. Giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn mà mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu được giảm mạnh, do việc đàm phán ký kết của từng Hiệp định tại các thời điểm khác nhau nên có các mức cam kết cắt giảm thuế suất khác nhau và vào các thời điểm khác nhau tùy theo từng Hiệp định. “Theo đó, việc chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi và thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định là tất yếu”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Trong 11 Hiệp định song phương, khu vực, có một số Hiệp định, mặt hàng xăng dầu thuộc danh mục “loại trừ” (không có nghĩa vụ cắt giảm), nhưng có một số Hiệp định đã được cắt giảm với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt năm 2016.

Cụ thể, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt trong ASEAN đối với xăng là 20%, dầu diezen là 0%; thuế xăng Việt Nam - Hàn Quốc là 10%, thuế dầu diezen là 5%, còn mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng và dầu diezen trước ngày 18/3 lần lượt là 20% và dầu là 10%.

Mức thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu được  tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi đến thời điểm này không còn phù hợp. (ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Như vậy, mức thuế nhập khẩu ưu đãi của mặt hàng xăng dầu hiện đang cao hơn so với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các FTA này.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, để được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì hàng hoá nhập khẩu từ các nước này phải đảm bảo điều kiện về xuất xứ (C/O), về điều kiện vận chuyển... Trong khi đó, thực tế thời gian qua, không phải tất cả hàng hoá đều nhập khẩu từ các nước có ký Hiệp định FTA, và cũng không phải tất cả hàng hoá nhập khẩu từ các nước có ký FTA đều được hưởng theo mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

Cụ thể trong năm 2015, số thuế (thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế TTĐB) đã thu từ xăng dầu nhập khẩu là 35.923 tỷ đồng, nhưng thực tế số thuế hoàn theo chứng từ doanh nghiệp nộp bổ sung C/O mẫu D (theo Biểu thuế Atiga) là 3.502 tỷ đồng, chiếm 9,75% tổng số thuế đã nộp. Tuy nhiên, số liệu hoàn thuế nhập khẩu này chỉ là số liệu sơ bộ vì có thể tiếp tục được hoàn trong các tháng tiếp theo.

Nhằm giảm bớt chênh lệch giữa mức thuế nhập khẩu ưu đãi với mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt từ các FTA của mặt hàng xăng dầu, theo quy định của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, ngày 18/3 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 48 quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu là: Xăng: Giữ nguyên mức 20%, vì mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Biểu Atiga là 20%, chỉ có mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Biểu Việt Nam-Hàn Quốc là 10%, nhưng là mức mới được quy định, thực tế xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc chưa nhiều và chưa có thông tin về chứng nhận xuất xứ C/O đối với loại hàng hoá nhập khẩu này.

Thay đổi

Các mặt hàng dầu diezen, dầu hoả, mazut, nhiên liệu bay giảm từ 10% và 13% xuống 7%, vì thực tế hàng hoá nhập khẩu từ Singapore, Hàn Quốc về tới Việt Nam cần tốn thêm khoản chi phí về vận chuyển và bảo hiểm chiếm khoảng 6-7% giá xăng dầu nhập khẩu, tương đương với mức thuế nhập khẩu ưu đãi là 7%. “Việc quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu tại Thông tư số 48 về cơ bản đã đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Liên quan đến ý kiến cho rằng việc mức thuế nhập khẩu trong cơ cấu giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi đã tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính cho rằng, không phải tất cả xăng dầu nhập khẩu đều được nhập khẩu từ các nước có ký các FTA, mà ngay cả hàng hoá nhập khẩu từ các nước có ký các FTA cũng không phải tất cả đều được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các FTA đó; ngoài ra hàng hoá nhập khẩu từ Singapore, Hàn Quốc về tới Việt Nam cần tốn thêm khoản chi phí về vận chuyển và bảo hiểm chiếm khoảng 6-7% giá xăng dầu nhập khẩu.

Tuy nhiên, do mức thuế nhập khẩu ưu đãi cao hơn mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại một số FTA, mà mức thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu lại tính theo mức thuế nhập khẩu ưu đãi đến thời điểm này không còn phù hợp.

Vì thế, cùng với việc điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng với phương án xác định mức thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo mức bình quân gia quyền của các biểu thuế (MFN và FTA), tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu từ các nước ký biểu thuế FTA được xác định theo quý (dùng số liệu của quý trước để tính cho quý sau) do Tổng cục Hải quan tổng hợp, xác định qua hệ thống hải quan điện tử (đảm bảo tính chính xác, tin cậy).

Bộ Tài chính tin tưởng, việc dùng mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền sẽ đảm bảo sát với thực tế hàng hóa nhập khẩu từ các nguồn khác nhau của doanh nghiệp xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước.

Giá xăng của  Việt Nam thấp hơn nhiều nước trong khu vực

Theo công bố Global Petrol Price.com, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam ngày 16/3 đứng thứ vị trí thấp 27/180 nước, thấp hơn cả 3 nước có chung đường biên giới và Thái Lan, cụ thể: Giá xăng Việt Nam là 0,65 USD/lít, thấp hơn Campuchia là 0,79 USD/lít, Thái Lan là 0,88 USD/lít, Trung Quốc là 0,91 USD/lít, Lào là 1,17 USD lít.

Như vậy, có thể thấy giá xăng dầu của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực. Lý do các nước trong khu vực cao hơn nước ta chủ yếu là do cơ cấu thuế, phí của họ trong giá xăng dầu cao hơn vì xăng dầu nhập khẩu đều có giá chung của thế giới (ví dụ nếu nhập khẩu từ Singapore có giá Platt Singapore - giá giao dịch bình quân hàng ngày được công bố bởi Hãng tin Platt’s), điều kiện nhập khẩu xăng dầu của các nước trong khu vực, đặc biệt 3 nước có chung đường biên giới với Việt Nam về cơ bản như nhau, nhưng giá xăng của Việt Nam chỉ bằng 82,3% giá xăng của Campuchia, bằng 73,9% giá xăng của Thái Lan, bằng 71,4% giá xăng của Trung Quốc và chỉ bằng 55,6% giá xăng của Lào.

Hương Thủy