Nỗ lực chăm lo đời sống người lao động

Xã hội - Ngày đăng : 06:31, 19/03/2016

(HNM) - Hiện nay, việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động, trong đó có một bộ phận CNVCLĐ Thủ đô còn gặp nhiều khó khăn.


Chị Nguyễn Thị Lý, 54 tuổi, đoàn viên Công đoàn Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi La Khê (huyện Thanh Oai) được vay 10 triệu đồng trong 3 năm. Có số vốn này, chị cùng gia đình đầu tư giống, vật tư trồng bưởi trên diện tích đất vườn có sẵn. Sau 3 năm, nhờ nỗ lực chăm bón, vườn bưởi đã cho quả ổn định, giúp chị hoàn vốn, xây được nhà mới, mua sắm thêm một số đồ đạc có giá trị. Quan trọng hơn, chồng con chị có việc làm, thu nhập ổn định, không sa vào tệ nạn xã hội.

Chị Nguyễn Thị Tính, nhân viên Trường Mầm non Vĩnh Hưng (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai) cũng được vay 10 triệu đồng trong 3 năm để xây chuồng trại, chăn nuôi lợn, gà. Tuy nguồn vốn vay nhỏ nhưng đã giúp chị và người thân trong gia đình cải thiện rõ rệt cuộc sống. Mỗi suất vay từ quỹ do LĐLĐ TP Hà Nội quản lý chỉ 10 triệu đồng, nhưng đã giúp nhiều gia đình CNVCLĐ nghèo trong thành phố như chị Tính, chị Lý có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình; từng bước giảm bớt khó khăn, vất vả trong cuộc sống; có thêm điều kiện để chăm lo cho con cái học hành. Qua hoạt động cho vay vốn cải thiện đời sống, người lao động đã gắn bó hơn với tổ chức Công đoàn.

Nhiều năm quản lý nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho CNLĐ nghèo phát triển kinh tế, Chủ tịch Công đoàn ngành NN&PTNT TP Hà Nội Nguyễn Văn Thảo cho rằng, nhờ được quản lý chặt chẽ, quay vòng nhanh, nguồn vốn được phân bổ của LĐLĐ thành phố cho công đoàn ngành là 1,3 tỷ đồng đã phát huy hiệu quả tối đa, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Tuy vậy, so với nhu cầu của người lao động trong ngành NN&PTNT thành phố, số vốn vay này quá khiêm tốn khiến số người được hưởng lợi không nhiều. Điều kiện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam mang tính thời vụ rõ nét, một năm có nhiều tháng nông nhàn, người lao động ít việc làm nên thu nhập thấp và bấp bênh. Trong khi đó, CNLĐ ngành nông nghiệp có điều kiện, có tư liệu sản xuất, có thể khai thác lợi thế về đất đai, lao động phụ để tăng thu nhập. Nhiều Công đoàn cơ sở có hàng nghìn đoàn viên, nhu cầu vay vốn từ quỹ là rất lớn, nhưng mỗi cơ sở chỉ được phân bổ 100 triệu đồng, rất khó khăn trong bình xét chọn CNLĐ được vay. Đây không phải là trăn trở của riêng Công đoàn ngành NN&PTNT thành phố. Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàng Mai Nguyễn Công Âu cho rằng, mức vốn vay quá nhỏ, thời gian ngắn hiện nay đã làm giảm hiệu quả của vốn vay. Nhiều cơ sở kiến nghị cần tăng mức cho vay đối với hộ gia đình CNLĐ lên 50 triệu đồng, thời hạn vay ít nhất là 3 năm, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động, giúp họ đầu tư dài hạn để mang lại lợi nhuận nhiều hơn. Chủ tịch LĐLĐ huyện Ba Vì Nguyễn Thị Kim Oanh khẳng định, trên địa bàn huyện, nguồn vốn vay đã giúp các gia đình CNLĐ có khó khăn tăng thu nhập khoảng gần 1 triệu đồng/tháng; nhưng nhu cầu được vay vốn từ quỹ ngày càng lớn, mà nguồn quỹ quá nhỏ.

Năm 2015, LĐLĐ thành phố quản lý nguồn vốn vay 32,779 tỷ đồng; đã xét duyệt cho 160 dự án với 1.730 hộ CNLĐ được vay vốn, giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động, trong đó phần lớn là lao động nữ. Người được vay vốn thường đầu tư cho chăn nuôi, trồng cây ăn quả, mua máy móc, thiết bị, mở cửa hàng kinh doanh dịch vụ, nuôi cá thịt… Công tác giải ngân diễn ra an toàn, đúng đối tượng, đúng tiến độ, giải quyết kịp thời nhu cầu về vốn của NLĐ. Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Đặng Minh Thuần, năm 2016 này, LĐLĐ thành phố được bổ sung thêm 10 tỷ đồng vào nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, giúp LĐLĐ thành phố chăm lo thiết thực hơn đời sống CNLĐ. Quỹ đã góp phần nâng cao hiệu quả của tổ chức Công đoàn trong chăm lo việc làm, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của CNLĐ, tích cực thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo của thành phố. Bên cạnh đó, cùng với nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, việc đi sâu, đi sát, rà soát, hỗ trợ của các cấp Công đoàn giúp CNLĐ sử dụng vốn đúng mục đích, tăng thêm thu nhập đã tạo động lực phát triển kinh tế, giúp các gia đình CNLĐ vươn lên.

Linh Chi