Công tác phòng, chống mại dâm: Đòi hỏi các giải pháp đồng bộ

Pháp luật - Ngày đăng : 06:29, 19/03/2016

(HNM) - Thời gian qua, các địa phương trong cả nước đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống mại dâm nhằm góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, tệ nạn mại dâm (TNMD) vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực hơn nữa…


Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết: "Giai đoạn 2012-2015, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội phối hợp với Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (PCTNXH) - Bộ LĐ-TB&XH và tổ chức Plan triển khai Dự án "Hỗ trợ xây dựng chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại TP Hà Nội". 82 chị em có quá khứ lầm lỡ được học các nghề: Cắt tóc, thiết kế đồ họa, vẽ móng nghệ thuật, bàn - bar, pha chế đồ uống, bán hàng. Nhiều người trong đó còn được hỗ trợ mở cửa hàng kinh doanh nhỏ với tổng số tiền hỗ trợ là 500 triệu đồng, trong đó hỗ trợ không hoàn lại là 260 triệu đồng". Tuy nhiên, số lượng được trợ giúp không nhiều, nhiều người bán dâm cũng không mặn mà với việc chuyển đổi nghề. Do vậy, theo thống kê của CATP Hà Nội, TNMD vẫn diễn biến rất phức tạp, tập trung nhiều tại các địa bàn giáp ranh, khu du lịch.

Đào tạo nghề giúp những người lầm lỡ sớm hòa nhập với xã hội và ổn định cuộc sống.


Tại TP Hồ Chí Minh, TNMD có nhiều hình thức biến tướng và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Phó Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH TP Hồ Chí Minh Lê Văn Quý cho biết: TNMD có xu hướng gia tăng, trong khi đó hành lang pháp lý để xử lý các đối tượng này thiếu hoặc chưa có nên rất khó khăn cho các cơ quan chức năng, nhất là với các đối tượng bán dâm qua mạng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người. Từ năm 2011 đến nay, đội kiểm tra liên ngành 178 của các tỉnh, thành phố đã kiểm tra hơn 120.000 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ, phát hiện hơn 42.000 lượt cơ sở vi phạm. Công an đã truy quét, triệt phá hơn 5.000 ổ nhóm, đường dây hoạt động mại dâm với hơn 23.000 người. Viện KSND các cấp thụ lý gần 4.000 vụ với 4.579 bị can liên quan đến mại dâm… Cùng với việc xử lý nghiêm các đối tượng hoạt động mại dâm, hơn 300.000 lượt người bán dâm được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, Cục trưởng Cục PCTNXH - Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Xuân Lập đánh giá: Công tác phòng, chống mại dâm thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu. Các biện pháp, giải pháp mới chỉ giải quyết vấn đề phát sinh, chưa đáp ứng yêu cầu phòng ngừa xã hội. Hoạt động của các mô hình thí điểm giảm hại và hỗ trợ người hoạt động mại dâm hoàn lương còn đơn giản; chưa hình thành hệ thống cung cấp dịch vụ hỗ trợ chuyên biệt cho đối tượng này. Các quy định về xử lý vi phạm trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm không bao quát hết các hành vi mua bán dâm trong thực tế hiện nay dẫn đến thiếu các chế tài xử lý. Thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính, không đưa người bán dâm vào các trung tâm nhưng lại chưa có chính sách, dịch vụ hỗ trợ đối với họ tại cộng đồng…

Chương trình phòng chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề ra mục tiêu đến năm 2017 có 50% và đến năm 2020 có 100% các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch lồng ghép. Để đạt được mục tiêu đề ra, cần sự vào cuộc đồng bộ, phân công rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, trong đó đặc biệt chú trọng vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, trách nhiệm của chính quyền các cấp.

Hiền Phương