Để sông Mê Kông là tài sản chung của các quốc gia…
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 19/03/2016
Nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long thiếu do đâu? Mưa ít là "chuyện của ông trời", hậu quả tất yếu của sự biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề mang tính toàn cầu mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt. Thế nhưng tại sao dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông suy giảm nghiêm trọng? Ngoài nạn phá rừng ở các quốc gia thì tác nhân chính là hơn 10 công trình thủy điện (và còn hơn 10 công trình khác đang và sắp thi công) ở các quốc gia vùng thượng lưu đã ngăn dòng chảy, tăng lượng trữ nước lòng hồ thủy điện, làm biến đổi quy luật tự nhiên khiến hạ nguồn thiếu hụt nước vào mùa khô.
Tài nguyên nước không của riêng quốc gia nào. Sông Mê Kông bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Vai trò của các nước là quản lý, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên vô giá nhưng không vô hạn đó. Xây đập thủy điện trên sông Mê Kông tại mỗi quốc gia là quyền của mỗi nước song cần có sự liên thông, kết nối thượng nguồn với hạ nguồn mà mục tiêu lớn nhất là khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên này với mục tiêu cao nhất: Sông Mê Kông trở thành nhịp cầu hòa bình, dòng sông hữu nghị kết nối mỗi quốc gia, để nguồn lợi từ sông Mê Kông sinh sôi, phát triển mà mỗi quốc gia liên quan cùng thụ hưởng.
Để giải quyết tình trạng khô hạn cho các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam đã đề nghị Trung Quốc gia tăng lưu lượng xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Vân Nam) xuống hạ lưu sông Mê Kông. Từ ngày 15-3 đến 10-4, phía Trung Quốc tăng gấp đôi lưu lượng xả nước từ đập thủy điện này. Mặc dù còn phải chờ hai tuần nữa hiệu quả của việc xả nước mới rõ ràng nhưng thực sự đây là tín hiệu tích cực, cần được ghi nhận, hoan nghênh. Đó là lý do ngày
16-3, Bộ Ngoại giao Campuchia đã ra thông cáo đánh giá cao quyết định trên, cho rằng việc xả nước vào sông Mê Kông một lần nữa thể hiện sự hợp tác tốt đẹp trong việc quản lý nguồn nước giữa các nước lưu vực sông Mê Kông và Trung Quốc, một phần quan trọng của cơ chế hợp tác Mê Kông - Lan Thương. Dù vậy, đây mới là giải pháp tạm thời; về lâu dài vẫn cần có quy định mang tính thống nhất, cụ thể hơn giữa các nước về định kỳ thời điểm xả, lưu lượng xả…
Nước hết sức quan trọng và cần thiết đối với an ninh lương thực, năng lượng, phát triển các ngành công nghiệp. Bảo đảm an ninh nguồn nước là vấn đề cần quan tâm hàng đầu hiện nay. Để duy trì nguồn tài nguyên này ổn định, các nước cần phải tăng cường hợp tác, đồng thời sẵn sàng chia sẻ các giải pháp vì một tương lai bền vững. Hằng năm, ASEAN thường xuyên tổ chức nhiều hội nghị cấp cao bàn về các chương trình hợp tác nội khối, đồng thời có các diễn đàn ASEAN với các đối tác như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… Phải chăng vấn đề hợp tác, cùng khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mê Kông cũng cần đưa vào nghị trình của các Hội nghị cấp cao ASEAN tới đây, trong đó làm rõ cả những nội dung, giải pháp mang tính bền vững như trồng rừng góp phần trữ nước; phát triển công nghiệp bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường nói chung, chất lượng nguồn nước sông Mê Kông nói riêng… Những nội dung đó cần được thể chế hóa thành những văn bản có tính cam kết hợp tác cao, với tinh thần chia sẻ, hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững…
Sông Mê Kông có tiềm năng thủy điện, dẫn thủy nhập điền và khả năng phòng lũ vô giá nhưng không vô hạn. Để dòng sông trở thành tài sản chung của các quốc gia ở lưu vực, để dòng sông mang lại sự trù phú mà mỗi quốc gia lưu vực cùng chia sẻ, việc hợp tác khai thác, sử dụng bền vững, có trách nhiệm là đòi hỏi tất yếu.