Thảm án ở Bình Phước: Một triệu chữ ký, Vũ Văn Tiến cũng khó thoát án tử

Pháp đình - Ngày đăng : 20:47, 18/03/2016

Trên góc độ pháp lý, các luật sư cho rằng việc gia đình Vũ Văn Tiến thu thập chữ ký để xin giảm án cho bị cáo thì Tiến cũng khó thoát án tử.

Mới đây, luật sư Lê Văn Nam cho báo chí biết, bà Vũ Thị Thi và ông Vũ Duy Hiền – bố mẹ bị cáo Vũ Văn Tiến – một trong ba bị cáo ở vụ thảm sát tại Bình Phước đã trao đổi với luật sư về việc làm đơn xin cứu xét. Ông Nam là người bào chữa cho bị cáo Vũ Văn Tiến.

Theo thông tin, lá đơn kèm theo chữ ký của khoảng 10.000 người dân trên cả nước xin cho Tiến một con đường sống. Những chữ ký này do gia đình Tiến đi xin, một số trường hợp tự nguyện tìm đến ký tên.

Các bị cáo tại phiên xử sơ thẩm.


Tại phiên tòa sơ thẩm của vụ thảm sát tại Bình Phước diễn ra vào cuối năm 2015, tòa cấp sơ thẩm nhận định, Nguyễn Hải Dương là kẻ chủ mưu, cầm đầu quyết tâm thực hiện hành vi đến cùng, mất hết tính người.

Theo tòa, Vũ Văn Tiến tuy có ngăn cản Dương nhưng khi bị cáo nói “lỡ rồi” thì Tiến tích cực giúp sức gây hậu quả nghiêm trọng.

Từ đó, tòa tuyên phạt Dương và Tiến mức án tử hình về các tội Giết người và Cướp tài sản. Bị cáo Trần Đình Thoại bị cáo thứ ba nhận mức án 16 năm tù.

Nhận định về lá đơn kèm theo khoảng 10.000 chữ ký để xin Vũ Văn Tiến được sống, luật sư Hoàng Minh Hiển – Văn phòng Luật sư Bắc Hà cho biết, đó không phải là tình tiết giảm nhẹ. 10.000 chữ ký đấy không có cơ sở pháp lý để tòa phúc thẩm xem xét giảm án.

Việc gia đình của bị cáo Vũ Văn Tiến xin 10.000 chữ ký để xin giảm án cho con, luật sư Hoàng Minh Hiển nhìn nhận, đấy là bản năng của những người làm bố, làm mẹ. Dù con mình có phạm tội tày đình đi chăng nữa thì họ vẫn mong con được sống.

Việc làm của họ đáng trân trọng thể hiện tình thương của bố mẹ đối với con cái. “10.000 chữ ký xin giảm án cho Vũ Văn Tiến không được pháp luật quy định và không phải là căn cứ để giảm án”, luật sư Hoàng Minh Hiển phân tích.

Về vấn đề này, luật sư Kim Thoa – Đoàn luật sư Hà Nội cũng cho hay, có các tình tiết có thể giảm án cho bị cáo như chính quyền địa phương, các đoàn thể viết đơn xin giảm án, gia đình bị hại cũng có đơn xin giảm án cho bị cáo… Đây là căn cứ để HĐXX có thể xem xét tha tội chết cho bị cáo đã bị tòa cấp sơ thẩm tuyên án tử hình quy định tại điều 46 Bộ luật hình sự.

Đánh giá hành vi phạm tội của Vũ Văn Tiến, luật sư Thoa cho rằng, Tiến cũng là người trực tiếp tham gia gây án, đã không ngăn cản hành vi phạm tội của đối tượng chủ mưu Nguyễn Hải Dương.

Ngoài ra khi vụ án xảy ra, Tiến không đến cơ quan điều tra tự thú…. Bởi vậy, luật sư Thoa cho rằng, 10.000 chứ 1 triệu chữ ký, bị cáo Vũ Văn Tiến cũng khó thoát án tử hình.

Theo nội dung vụ án, do bị bạn gái là Lê Thị Ánh Linh (quê Bình Phước) chia tay nên Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang) nảy sinh ý định trả thù.

Dương rủ Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long) tham gia và người này đồng ý. Tuy nhiên, sau đó Thoại sợ nên rút lui nhưng vẫn mua thêm dao cho Dương gây án.

Rạng sáng 7/7, Dương cùng Vũ Văn Tiến (24 tuổi, quê Bình Phước) đột nhập vào nhà Linh và giết 6 người trong gia đình cô gái này.

Tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 12/2015, TAND Bình Phước đã tuyên phạt Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến tử hình. Trần Đình Thoại 16 năm tù cùng về tội Giết người, Cướp tài sản./.

Theo Việt Đức/VOV