Không chấp nhận “điệp khúc” lùi thời điểm trình luật

Chính trị - Ngày đăng : 08:04, 18/03/2016

(HNM) - Do sự chuẩn bị chậm trễ của các cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức đề nghị Quốc hội cho phép chưa trình dự án Luật Biểu tình tại hai kỳ họp tới. Ngoài ra, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 cũng tiếp tục phải điều chỉnh.

Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 nhưng đến nay một số văn bản hướng dẫn luật vẫn còn thiếu gây khó cho công tác thực hiện ở cơ sở.Ảnh: Hồ Như


Lý do không khác năm trước, đó là cơ quan soạn thảo cần có thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, hoàn thiện dự án luật.

Hơn một năm trước, ở kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII đã quyết định bổ sung dự án Luật Biểu tình vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ chín, thông qua tại kỳ họp thứ mười (cuối năm 2015), sau rất nhiều lần xin lùi, xin hoãn của cơ quan có trách nhiệm trình dự án luật. Tại phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, có đại biểu còn đề nghị cho ý kiến dự án Luật Biểu tình tại kỳ họp thứ tám diễn ra cuối năm 2014 và thông qua tại kỳ họp thứ chín vào giữa năm 2015.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên tục đốc thúc, nhưng thêm một lần nữa, dự án Luật Biểu tình được Chính phủ đề nghị lùi thời gian trình Quốc hội. Theo giải trình của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Luật Biểu tình được giao Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiến hành nhiều bước, như nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khảo sát tại một số địa phương và lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Tại phiên họp tháng 1-2016, Chính phủ đã cho ý kiến về dự án luật này và quan điểm về một số nội dung lớn còn rất khác nhau, có nội dung ý kiến là 50/50.

Những nội dung cần tiếp tục chỉnh lý để tạo sự đồng thuận cao hơn được Bộ trưởng Hà Hùng Cường đề cập như thẩm quyền cho đăng ký biểu tình, người nước ngoài có được phép tham gia biểu tình hay không, các biện pháp bảo đảm như thế nào… Để có thêm thời gian nghiên cứu theo đúng mục tiêu, bảo đảm tính khả thi, Chính phủ xin lùi thời gian trình dự án luật từ kỳ họp thứ mười một của Quốc hội khóa XIII (tháng 3-2016) đến kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XIV (cuối năm 2016).

Ngoài Luật Biểu tình, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 cũng tiếp tục có những nội dung cần thêm thời gian hoàn thiện. Đơn cử, đối với Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện được TAND Tối cao đề nghị bổ sung vào chương trình trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ hai Quốc hội XIV (tháng 10-2016), thủ tục của việc trình dự án luật cũng thiếu văn bản có ý kiến chính thức của các thành viên Chính phủ. Khẳng định quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân đã được hiến định, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng: Không thể lùi thời gian trình dự án luật thêm nữa vì xây dựng luật chính là để bảo đảm an ninh trật tự.

Cùng với xin lùi thời hạn trình Quốc hội dự án luật, tình trạng văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật ban hành chậm vẫn tái diễn. Luật sư Cao Minh Vượng (Đoàn luật sư Hà Nội) nêu quan điểm, chính việc không thực hiện nghiêm túc kế hoạch phân công tổ chức soạn thảo văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật đã khiến luật khó đi vào cuộc sống, tạo cơ chế xin cho không minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện.

Bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng và xu hướng dân chủ hóa, minh bạch trong quản lý nhà nước hiện nay đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách phải đổi mới nhiều hơn nữa, không chỉ về nội dung của pháp luật, hệ thống pháp luật mà còn cả quy trình lập pháp. Trước hết, cần huy động sức dân, đội ngũ chuyên gia và kể cả các cựu đại biểu Quốc hội để soạn thảo luật, chứ không nên giao cho một số ngành như cách hiện nay vẫn làm.

Để đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng, tính khả thi của pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức tham gia trong quá trình xây dựng pháp luật, mà trước hết là những cá nhân, tổ chức trực tiếp tham gia, chủ trì cũng rất quan trọng. Do đó, theo luật sư Cao Minh Vượng, thay vì chuyển tiếp các luật sang nhiệm kỳ sau, Quốc hội cần có chế tài cụ thể nhằm xử lý trách nhiệm của các đơn vị bộ, ngành chậm trễ trong việc xây dựng luật, pháp lệnh.

Hà Phong