Xóa lò gạch trái phép ở Sóc Sơn: Không quyết liệt sẽ “đánh trống bỏ dùi”
Đời sống - Ngày đăng : 05:40, 18/03/2016
Huyện Sóc Sơn vẫn còn 57 lò gạch thủ công đang tồn tại. |
Trên "nóng" dưới "nguội"
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn thì từ năm 2013, huyện Sóc Sơn đã xóa bỏ toàn bộ 524 lò gạch thủ công. Tuy nhiên, do một số xã buông lỏng quản lý, xử lý thiếu kiên quyết nên để xảy ra tình trạng chủ lò tự ý khôi phục hoạt động. Riêng ở xã Bắc Phú và Đức Hòa, trong quá trình kiểm tra từ tháng 5-2015 đến tháng 2-2016, huyện đã phát hiện 4 lò gạch vi phạm, trong đó có 3 lò ở xã Bắc Phú (2 lò đang xây mới) và 1 lò ở xã Đức Hòa, và ra các quyết định đình chỉ xây dựng, buộc tháo dỡ các công trình vi phạm, yêu cầu các xã xử lý nghiêm các sai phạm.
Trao đổi về việc xử lý các lò gạch trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Bắc Phú Lê Minh Xuân cho biết, "hằng ngày xã đều cử cán bộ giám sát kiểm tra và chủ lò đã dừng toàn bộ thi công". Tuy nhiên, những gì ông Xuân nói lại trái ngược hoàn toàn với thực tế. Trong khi các cơ quan chức năng của thành phố và UBND huyện "nóng" chuyện bàn việc xử lý vi phạm thì chiều 17-3, có mặt tại xã Bắc Phú, phóng viên Hànộimới vẫn thấy lò gạch của ông Nguyễn Đức Hạnh tại khu Dọc Dài, thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú đang được xây dựng, bất chấp lệnh của chính quyền (?).
Trả lời câu hỏi của chúng tôi: Vì sao thành phố đã có chủ trương xóa lò gạch thủ công từ lâu mà đến nay các lò gạch trên địa bàn huyện vẫn tồn tại. Phó Chủ tịch UBND huyện Đỗ Minh Tuấn cho biết: Sở dĩ các lò này chưa được xử lý là do huyện vận dụng chỉ đạo của thành phố tại Văn bản số 4101 ngày 7-6-2013 về việc áp dụng công nghệ xử lý khai thác và sản xuất gạch nung trên địa bàn, theo đó chấp thuận cho Sóc Sơn xây dựng 19 lò áp dụng công nghệ xử lý khói thải, thời gian hoạt động đến hết ngày 31-12-2016. Quá trình các cơ sở đầu tư cải tiến lò, huyện Sóc Sơn đều yêu cầu phải tuân thủ pháp luật đất đai, môi trường, an toàn lao động; phải tự tháo dỡ vỏ lò, hoàn trả mặt bằng khu vực sản xuất gạch trước ngày 31-10-2016, sớm hơn yêu cầu của thành phố đề ra 2 tháng. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng thừa nhận, trong thời gian qua, một số xã của huyện đã buông lỏng quản lý khiến cho các lò gạch trên địa bàn không dừng lại ở con số 19 như quyết định trên của UBND thành phố mà lên đến 57, trong đó có 50 lò úp vung áp dụng công nghệ xử lý khói thải, 6 lò vòng và 1 lò đứng.
Xử lý nghiêm cán bộ nếu dung túng cho sai phạm
Trả lời câu hỏi có hay không việc dung túng của chính quyền trong xử lý các lò gạch trái phép. Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn khẳng định: "Đến thời điểm này, các cơ quan chức năng chưa phát hiện cán bộ của huyện, xã có dấu hiệu bao che cho các hành vi vi phạm".
Về hướng xử lý, ông Đỗ Minh Tuấn cho biết: Ngày 18-3, huyện sẽ kiểm tra, phân loại, làm rõ vi phạm đối với từng lò gạch, đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan và cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp để chấm dứt hoạt động của các lò gạch không đủ điều kiện. Trường hợp chủ lò không chấp hành, huyện sẽ yêu cầu cưỡng chế. Thời gian tới, các cơ quan chức năng và xã sẽ chấm dứt hợp đồng thuê đất không đúng thẩm quyền, không đúng mục đích sử dụng đất; xây dựng kế hoạch lộ trình xử lý đối với từng lò gạch vi phạm trước ngày 15-4; tổ chức xử lý toàn bộ các lò gạch hoạt động trái phép xong trước ngày 31-10 năm nay… Theo Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút, huyện đã giao cơ quan công an để điều tra, làm rõ thông tin dư luận phản ánh về "bảo kê" các lò gạch trái phép. Nếu có, huyện sẽ xử lý nghiêm, không bao che cho sai phạm, dù bất kể đó là ai, ở vị trí nào.
Tuy nhiên, với thực tế hiện nay tại Sóc Sơn, nếu các cấp chính quyền huyện, xã không quyết liệt, xử nghiêm các vi phạm của chủ lò gạch trên địa bàn thì việc xử lý lò gạch hoạt động trái phép trên địa bàn huyện vẫn sẽ ở tình trạng "đánh trống bỏ dùi".
Xử lý 4 lò gạch phát sinh mới trong tháng 3-2016 (HNM) - Liên quan đến thông tin Thanh tra xây dựng "bảo kê" lò gạch thủ công, Sở Xây dựng Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND TP Hà Nội theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng. Sau khi có thông tin dư luận phản ánh, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đã yêu cầu 2 cán bộ báo cáo giải trình, đồng thời tạm đình chỉ công tác đối với ông Đinh Hoàng Minh, cán bộ Đội Thanh tra chuyên ngành số 2. Ông Đinh Hoàng Minh là lao động hợp đồng, 5 lần tham gia đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các lò gạch địa bàn huyện Sóc Sơn. Việc ông Minh liên hệ với các đối tượng dư luận phản ánh ngoài thời gian làm việc của đoàn liên ngành và là quan hệ cá nhân. Sở Xây dựng đề xuất, giao Thanh tra Sở Xây dựng chấm dứt hợp đồng lao động; trong quá trình xử lý nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, sẽ chuyển cơ quan pháp luật xem xét theo quy định. Được biết, ngày 16-3, Sở Xây dựng Hà Nội đã làm việc với UBND huyện Sóc Sơn, kiểm tra thực tế tình trạng vi phạm trật tự xây dựng được nêu. Theo báo cáo, trên địa bàn huyện Sóc Sơn còn tồn tại 57 lò gạch, trong đó 53 lò gạch từ trước năm 2014, 4 lò gạch phát sinh năm 2015 (2 lò đã hoạt động, được cải tạo trên nền lò cũ, 2 lò xây mới - hiện đều bị đình chỉ hoạt động). Sở Xây dựng Hà Nội và UBND huyện Sóc Sơn đã thống nhất, đối với 4 lò gạch phát sinh năm 2015, thiết lập hồ sơ vi phạm, xử lý tháo dỡ dứt điểm trong tháng 3-2016. Đối với 53 lò gạch tồn tại từ trước năm 2014, UBND huyện Sóc Sơn xử lý, chấm dứt hoạt động theo lộ trình kế hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, hoàn thành trong năm 2016. Gia Khánh |