Hà Nội thông qua danh sách sơ bộ 87 người ứng cử ĐBQH
Chính trị - Ngày đăng : 05:26, 18/03/2016
Hội nghị đã hiệp thương, biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 87 người ứng cử ĐBQH. |
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong 87 người ứng cử, có 48 người tự ứng cử và 39 người do các tổ chức, đơn vị giới thiệu. Về chất lượng đại biểu, trình độ cao đẳng trở lên chiếm 42,53%; cơ cấu nữ chiếm 25,29%; tái cử chiếm 11,49%; dân tộc và tôn giáo chiếm 2,3%; dưới 40 tuổi chiếm 19,54%; người ngoài Đảng chiếm 47,13%. Trình độ người ứng cử ĐBQH kỳ này được nâng cao, tiến sĩ tăng 5,06%; đại học, cao đẳng tăng 3,09%. Hội nghị đã hiệp thương, biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 87 người ứng cử ĐBQH.
Ngay sau hội nghị hiệp thương thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH khóa XIV, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tiếp tục hiệp thương lần thứ hai thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016-2021. Trong số 205 hồ sơ đại biểu ứng cử HĐND, có 9 hồ sơ tự ứng cử. Số lượng dự kiến phân bổ và dự kiến tự ứng cử 210 người, tuy nhiên đến ngày 15-3, Ủy ban MTTQ thành phố tiếp nhận từ Ủy ban Bầu cử thành phố tổng số 205 hồ sơ, trong đó có 196 hồ sơ được giới thiệu qua các cơ quan, tổ chức, đơn vị và 9 hồ sơ tự ứng cử. Có 2 trường hợp Ủy ban MTTQ thành phố đã nhận biên bản giới thiệu nhưng không có hồ sơ ứng cử. Chất lượng ứng viên HĐND có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ tăng 22,52%; cơ cấu nữ tăng 3,46%. Sau khi thảo luận, hội nghị đã biểu quyết 100% tán thành số lượng 205 người ứng cử đưa vào danh sách sơ bộ, chuẩn bị cho các bước tiếp theo.
Tại hội nghị hiệp thương lần hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH và HĐND, Ủy ban MTTQ thành phố cho biết tất cả các đơn vị được phân bổ giới thiệu người ứng cử đã tiến hành đầy đủ 3 nội dung của bước 2 của quy trình hiệp thương. Các hội nghị cử tri nơi công tác được tiến hành dân chủ, đúng quy định của pháp luật. Hầu hết các cử tri nhất trí cao với dự kiến người ứng cử của lãnh đạo cơ quan tổ chức đơn vị. Hiện MTTQ chưa nhận được trường hợp nào phản ánh các vấn đề hoặc vụ việc liên quan đối với người ứng cử cần phải xác minh.
* Ngày 17-3, Tiểu ban Chỉ đạo, giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) về bầu cử TP Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt và hướng dẫn triển khai thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đến 30 ủy ban bầu cử các quận, huyện, thị xã.
Theo đó, Tiểu ban Chỉ đạo, giải quyết KNTC về bầu cử thành phố yêu cầu ủy ban bầu cử các quận, huyện, thị xã tăng cường tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn KNTC của công dân về bầu cử theo quy định; không xem, giải quyết đối với những đơn tố cáo không có họ, tên người tố cáo hoặc mạo danh người tố cáo. Về niêm yết danh sách cử tri, trong thời hạn 30 ngày, nếu phát hiện có sai sót, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri. Trong thời hạn 5 ngày, cơ quan lập danh sách giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết. Nếu người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết hoặc hết thời hạn giải quyết thì có quyền khởi kiện tại TAND cấp huyện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Về KNTC liên quan đến người ứng cử đại biểu HĐND, trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, ủy ban bầu cử ngừng xem xét, giải quyết mọi KNTC, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử. Ủy ban Bầu cử thành phố và các quận, huyện, thị xã, cơ sở có trách nhiệm chuyển toàn bộ hồ sơ về KNTC người ứng cử đại biểu HĐND chưa được giải quyết đến Thường trực HĐND khóa mới ở cấp tương ứng để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn Văn Tuấn Dũng, Phó trưởng Tiểu ban Chỉ đạo, giải quyết KNTC về bầu cử cho biết, qua nắm bắt, nhìn chung đến nay, tình hình an ninh chính trị ở các địa phương ổn định, không có vụ việc phức tạp, điểm nóng. Tuy nhiên, với tinh thần giải quyết ngay từ cơ sở, ủy ban bầu cử các quận, huyện, thị xã khẩn trương giải quyết các vụ việc phát sinh nếu có theo đúng thẩm quyền, đúng với Luật KNTC, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; tổ chức giải quyết các vụ việc tồn đọng liên quan đến quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng... Tránh việc giải quyết không thấu đáo, cử tri phản ứng không đi bầu cử hoặc kéo đoàn đông người đến các cơ quan trung ương.