Bài 1: “Miếng bánh” thị phần thu nhỏ
Kinh tế - Ngày đăng : 05:17, 18/03/2016
Bài 1: “Miếng bánh” thị phần thu nhỏ
Ở kênh phân phối truyền thống, hàng Việt bị "kẹp" giữa "tầng cao" là sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia và hàng Trung Quốc, hàng giả, hàng nhập lậu ở "tầng thấp". Ở kênh phân phối hiện đại, các "đại gia" bán lẻ nước ngoài đang lần lượt thâu tóm nhiều hệ thống phân phối lớn, khiến đường vào siêu thị của hàng Việt đã khó lại thêm khó.
Thị trường đồ chơi gần như phụ thuộc hoàn toàn vào hàng Trung Quốc. Ảnh: Khánh Huy |
Hàng ngoại "ép sân" - hàng Việt lép vế
Theo Bộ Công thương, hiện cả nước có hơn 9.000 chợ truyền thống, nắm giữ khoảng 75-80% thị phần bán lẻ. Kênh phân phối này lẽ ra phải là "sân chơi" mà ưu thế thuộc về hàng Việt nhưng trên thực tế, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam vẫn "lép vế".
Ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn sự xuất hiện ngày càng nhiều của các trang web mua bán hàng trực tuyến cùng hàng loạt các cửa hàng, siêu thị chuyên (hoặc bán chuyên) bán hàng hóa nhập khẩu đang khiến một lượng lớn người tiêu dùng xa lánh dần thị trường hàng Việt. Bên cạnh đó, các chính sách mở cửa thị trường khi tham gia các hiệp định thương mại tự do của đất nước với thế giới cũng tạo điều kiện để hàng ngoại xuất hiện trên thị trường nội địa ngày một nhiều hơn, phong phú hơn.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá: Trong cơ cấu hàng ở chợ, "tầng cao" là sản phẩm của các công ty đa quốc gia; ở "tầng thấp" có hàng của Trung Quốc, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng lậu, hàng giả… Lẽ ra hàng hóa của các doanh nghiệp nội địa chiếm lĩnh được "tầng giữa" nhờ chất lượng, sự quen thuộc với người tiêu dùng, tuy nhiên ở ngay "tầng" này, hàng của các công ty đa quốc gia cũng "vươn tay" xuống và hàng Trung Quốc, hàng lậu, hàng giả "chồm lên". Vì vậy, con đường vào chợ của các doanh nghiệp Việt Nam không hề dễ dàng, kể cả những sản phẩm có tiếng, lâu đời như nước mắm Liên Thành, nước rửa bát Mỹ Hảo, mì Miliket, xà bông Lux, Net, Vì Dân... Các tập đoàn đa quốc gia hỗ trợ tiểu thương rất tốt về quảng cáo và chăm sóc điểm bán, trong khi doanh nghiệp Việt Nam không đủ điều kiện thực hiện những khâu này. Ở "tầng dưới", hàng hóa Trung Quốc quá rẻ và phong phú. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lại đồng ý cho lấy hàng trước, trả tiền sau, thậm chí được trả lại hàng nếu không bán được… nên tiểu thương rất ưa chuộng. Trong khi đó, hàng giả, hàng nhái thì lợi nhuận quá cao, cũng hấp dẫn người buôn bán khiến doanh nghiệp trong nước thêm khó cạnh tranh.
Hàng giả, nhái "bát nháo" ở các chợ còn làm phát sinh tình trạng, theo ông Đào Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Hùng Nguyệt là: Một số doanh nghiệp Việt có uy tín, đủ sức cạnh tranh không dám đưa hàng của mình vào chợ vì sợ mang tiếng là... "hàng chợ".
Tại TP Hồ Chí Minh, trong vài năm qua, hàng hóa Trung Quốc ngày càng yếu thế, đặc biệt ở một số sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, may mặc, nông sản tươi... Tuy nhiên, khi hàng của doanh nghiệp nội địa chưa tận dụng kịp xu thế này thì hàng loạt mặt hàng từ các nước như Thái Lan, Malaysia… đã nhanh chóng chen chân vào "chỗ trống". Họ gia tăng quyết liệt mức độ, tốc độ tiếp cận thị trường, tổ chức nhiều loại hình tiếp thị sản phẩm. Hiện ở các chợ, hàng Trung Quốc giảm rõ rệt nhưng lại tràn ngập hàng "Made in Thái Lan"…
Hàng Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng hóa của các doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: Như Ý |
Gian nan tìm kiếm thị phần
Ở kênh phân phối hiện đại, công cuộc tìm kiếm thị phần của các doanh nghiệp Việt Nam càng gian nan hơn. Theo thống kê từ Bộ Công thương, kênh phân phối hiện đại mới chỉ chiếm khoảng 20-25% tổng mức bán lẻ, còn rất nhiều tiềm năng phát triển nếu so với các nước lân cận như Thái Lan (34%), Trung Quốc (51%), Malaysia (60%), Singapore (90%)... Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cũng dự báo, đến năm 2020, tỷ trọng kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam sẽ đạt khoảng 45%.
Sự hấp dẫn của hệ thống phân phối hiện đại khiến các nhà bán lẻ nước ngoài gia tăng đầu tư vào Việt Nam. Hàng loạt tập đoàn bán lẻ lớn đã có mặt ở nước ta và ngày càng mở rộng quy mô như BigC (Pháp), Lotte, Emart (Hàn Quốc), Aeon (Nhật)… và đặc biệt là các nhà bán lẻ Thái Lan đang "tăng tốc" khi Tập đoàn Central mở trung tâm mua sắm Robins, mua 49% cổ phần của hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim; Tập đoàn BJC mua lại hệ thống siêu thị Metro và hiện đang nhắm tới việc mua lại BigC Việt Nam. Các doanh nghiệp bán lẻ Thái Lan không ngần ngại cho biết sẽ dành đến 60-70% hàng Thái Lan trong siêu thị của mình, phần còn lại mới là hàng của quốc gia khác.
Bà Vũ Kim Hạnh phân tích, khi các doanh nghiệp nước ngoài nắm trong tay hệ thống bán lẻ thì hàng ngoại sẽ trở nên "đáng gờm" hơn bởi các ông chủ hệ thống phân phối sẽ ưu tiên hàng hóa nước họ. Chưa kể, hiện hàng hóa vào Việt Nam đang cực kỳ thuận lợi bởi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức thành lập, theo đó sẽ tiến tới cho phép hàng hóa di chuyển tự do trong khối và khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua, hơn 10.000 loại hàng hóa từ 12 nước thành viên cũng được hưởng ưu đãi hoặc loại bỏ dần thuế quan.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng cho rằng, khi hệ thống phân phối nằm trong tay các nhà bán lẻ nước ngoài, hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất chắc chắn bị san sẻ… thêm thị phần. Theo ông Vũ Vinh Phú, tính về cơ cấu hàng hóa trong siêu thị thì sản phẩm sản xuất tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 80%, trong đó hàng của các doanh nghiệp Việt sản xuất chỉ chiếm khoảng 30%. Đáng chú ý, hàng Việt khó vào siêu thị còn do tình trạng nhiều siêu thị lớn o ép doanh nghiệp nhỏ, đòi chiết khấu quá cao, thanh toán chậm… Vì thế, doanh nghiệp nhỏ với tiềm lực tài chính yếu khó có thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra để "đặt chân" vào mạng lưới phân phối này.