Trăn trở cuối đời của Trần Lập dành cho con

Xã hội - Ngày đăng : 22:37, 17/03/2016

Những ngày cuối đời trên giường bệnh nam ca sĩ chỉ cười khi các con vào thăm, anh căn dặn vợ dạy dỗ hai con nên người.

15h30 ngày 17/3, thi hài ca sĩ Trần Lập được vợ con đưa từ nhà trên phố Linh Lang đến Nhà tang lễ Bộ quốc phòng, Hà Nội. Căn nhà chỉ còn lại mẹ ruột chị Hoa (vợ Trần Lập). Bà là người sống với vợ chồng anh nhiều năm nay. Trong khi dọn dẹp lại mọi thứ cho gọn gàng, người mẹ ôn lại những ký ức về con rể những tháng ngày kiên cường chống chọi căn bệnh quái ác.

Người mẹ kể Trần Lập biết mình mắc ung thư di căn ngay từ lúc đi viện mổ trực tràng bốn tháng trước. Dù ở giai đoạn cuối, ca sĩ không những luôn lạc quan chữa trị, mà còn chuẩn bị sẵn tinh thần cho vợ con về sự ra đi của bản thân.

Gia đình Trần Lập.


Thương các con còn nhỏ, lo lắng con nên người

Từ lúc biết bản thân mang bệnh khó qua khỏi, Trần Lập thẳng thắn chia sẻ với hai con nhỏ về sức khỏe. Con trai lớn của anh tên Minh Anh - học lớp sáu, còn con gái út tên Minh Tú - học lớp bốn. Anh dặn dò các con rằng bố sẽ không qua khỏi, sẽ qua đời. Từ những lời dặn của anh, hai con phần nào cảm nhận được bố mình sẽ ra đi nhưng không biết đi lúc nào.

Nhiều lần nghe bố nhắc về bệnh, con gái của anh bảo: "Bố đừng đi xa mãi mãi, con chỉ muốn bố đi rồi bố lại về như những lần công tác".

Hôm kia (ngày 15/3), Minh Tú vẫn vào viện Việt Đức thăm, cắt tóc và cạo râu cho bố. Cô bé học lớp bốn, giỏi văn còn hóm hỉnh: "Trông bố trẻ như sinh viên đại học". Ngày bố cấp cứu, Tú bảo: "Bố ơi, bố cảm thấy phiền không, nếu bố không phiền con ở lại, nếu bố thấy phiền thì con về".

Người mẹ vợ nhớ lại những ngày cuối đời, Trần Lập không bao giờ cười, trừ những lúc ở bên con gái yêu. Hễ khi nào con gái vào thăm là anh lại cười. "Hai cha con hợp nhau lắm bởi bố tuổi Dần còn con gái tuổi Tuất", bà nói.

Những ngày Trần Lập chữa bệnh, hai anh em chia nhau việc nhà để giúp đỡ mẹ và bà ngoại, đồng thời trò chuyện với bố. Từ ngày anh trở bệnh nặng và phải đi chữa trị xa nhà, con trai anh được cô giáo chủ nhiệm đưa về nhà riêng để dạy học, kịp thi cử. Con trai Trần Lập giống hệt anh cả về tính cách và lối ăn uống. Bà ngoại của bé kể: "Bố nó thích ăn lạc và trứng, nó cũng thích ăn lạc và trứng. Hai bố con cá tính rất giống nhau - không nhờ vả ai điều gì và không thích ai thương hại mình. Khi bố mắc bệnh, cháu ít bày tỏ cảm xúc ra bên ngoài".

Yêu thương con, Trần Lập nhiều lần dặn dò vợ dạy hai con nên người. "Anh ấy thương các con còn nhỏ quá, nhưng cũng cho biết yên tâm ra đi khi các cháu có bà, có mẹ và mọi người. Anh ấy hay dặn vợ rằng: 'Em phải cố gắng nuôi con nên người vì các con nhỏ thiệt thòi'. Anh ấy buồn lắm vì còn bao kế hoạch dang dở, nhiều công việc dang dở, buồn vì không được còn sống để cống hiến", mẹ vợ Trần Lập bùi ngùi nói.

Trần Lập thương con cái còn nhỏ.


120 ngày bản lĩnh chống chọi với bệnh tật

Mẹ vợ Trần Lập khẳng định: "Trần Lập là đứa rất tự trọng và mạnh mẽ, ốm nhưng chỉ sợ bị người ta thương hại. Hôm thông báo bị bệnh trên facebook, nó rất tự ái khi có người hỏi có phải thông báo để nhờ giúp đỡ không".

Ngay cả khi mắc bệnh, Trần Lập và vợ (chị Hoa) cũng không nói với mẹ vì không muốn làm phiền. Những ngày cuối cùng, ca sĩ đau nặng nhưng không hề kêu rên. Những lúc cơn đau hoành hành, thủ lĩnh Bức Tường chỉ nhăn mặt và nói: "Đau lắm".

Hơn tuần trước, nam ca sĩ trở bệnh nặng hơn. Anh phải ăn chay nhưng không ngăn được các khối u phát triển rộng. Cơ thể anh kiệt quệ. Khi quá trình điều trị hóa chất gần như không còn tác dụng, chị Hoa đưa chồng vào Đồng Nai để chữa theo phương pháp đông y. Anh không chịu được thuốc Nam sau 10 ngày chữa, chân tay trở nên phù nề. Nam ca sĩ phải bay gấp từ Đồng Nai ra Hà Nội và được đưa vào Bệnh viện Việt Đức.

Ở Việt Đức, anh được cấp cứu, chạy thận và lọc máu. Anh nằm ở đây hai tuần với hai ngày cuối rơi vào hôn mê. Người đàn ông bản lĩnh Trần Lập ra đi lúc 12h45 ngày 17/3.

Theo Thành Long/VnExpress