Trung Quốc có thêm một trường đại học mỗi tuần
Giáo dục - Ngày đăng : 14:42, 17/03/2016
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ luôn là nước có tỷ lệ người học đại học cao nhất thế giới. Tất yếu, họ cũng “thống trị” thị trường lao động cho người có bằng đại học.
Tuy nhiên điều này sẽ nhanh chóng thay đổi ở các thế hệ tiếp theo. Xét về khía cạnh số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học, Trung Quốc đang vượt xa Mỹ và toàn bộ hệ thống trường đại học tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Khoảng cách này sẽ ngày càng được nới rộng. Ngay cả những dự đoán “bi quan” nhất cũng cho thấy số lượng cử nhân trong độ tuổi từ 25 – 34 ở Trung Quốc sẽ tăng thêm 300% vào năm 2030. Trong khi đó, con số này ở Mỹ và các nước châu Âu chỉ là 30%.
Tại Mỹ, chi trả số tiền học đại học là một điều không hề đơn giản. Còn ở châu Âu, chính phủ các nước đang hạn chế việc mở rộng quy mô và số lượng trường đại học bằng cách cắt giảm đầu tư công hoặc không cấp phép cho các trường tự huy động vốn.
Trong khi đó, Trung Quốc và các nước châu Á khác như Ấn Độ đang vượt lên dẫn đầu cuộc đua. Vấn đề không chỉ đơn giản là tăng số lượng sinh viên. Giới trẻ ở Trung Quốc và Ấn Độ có xu hướng lựa chọn các chuyên ngành như toán học, công nghệ, kỹ thuật – vốn rất cần thiết để tạo ra những bước đột phá trong quá trình phát triển của một quốc gia.
Toán học, công nghệ, kỹ thuật và khoa học là các ngành đang rất được ưa chuộng tại Trung Quốc |
Trong năm 2013, 40% cử nhân Trung Quốc tốt nghiệp chuyên ngành Stem (science, technology, engineering, math) - bao gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, gấp đôi so với Mỹ. Bởi vậy, nguồn nhân lực được đánh giá là nền tảng cho sự thịnh vượng của nền kinh tế tri thức đang tập trung chủ yếu ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Đến năm 2030, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đóng góp hơn 60% tổng số cử nhân chuyên ngành Stem trong nền kinh tế thế giới, so với con số 8% ở châu Âu và 4% của Mỹ. Các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đang đặt cược tương lai của mình vào điều này.
Số lượng cử nhân tại Trung Quốc và Ấn Độ vượt qua cả Mỹ và các nước châu Âu |
Với mức tăng như vậy trong giáo dục đại học, rất nhiều người dự đoán giá trị của bằng cấp tại Trung Quốc sẽ bị “lạm phát”. Tuy nhiên, một minh chứng rõ rệt nhất là tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD. Hầu hết các quốc gia OECD có số lượng cử nhân tăng đều ghi nhận những tín hiệu tích cực trong thu nhập bình quân. Điều này cho thấy sự gia tăng “công nhân tri thức” không dẫn đến sự suy giảm mức lương trung bình.
Trong quá khứ, các nước OECD vốn chỉ phải cạnh tranh với các nước có nguồn lao động tay nghề thấp với mức lương thấp. Ngày nay, các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu chuyển hướng sang thị trường lao động tay nghề cao với mức lương hợp lý. Đầu tư lớn vào giáo dục ở châu Á cho thấy sự cạnh tranh bằng chi phí sản xuất thấp hơn chỉ là một chiến lược chuyển tiếp đối với các nước đang cố bắt kịp với phương Tây.
Một vài người cũng đặt nghi vấn đề chất lượng và tính xác thực của tấm bằng đại học ở Trung Quốc. Trên thực tế, không có biện pháp nào để so sánh chính xác kết quả học tập của sinh viên tại các trường đại học và các quốc gia khác nhau.
Học sinh nối đuôi nhau bước vào một phòng thi tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc |
Tuy nhiên, Trung Quốc đã chứng minh cho cả thế giới thấy nâng cao đồng thời chất lượng và số lượng các trường đại học là điều hoàn toàn có thể.
Theo chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA do OECD tiến hành với đối tượng là học sinh 15 tuổi, nhóm 10% có điều kiện học tập khó khăn nhất tại Thượng Hải có kết quả tốt hơn so nhóm 10% được hưởng điều kiện học tập tốt nhất nước Mỹ.
Thành công sẽ đến với các cá nhân, các trường đại học và các quốc gia biết thích ứng nhanh chóng, không phàn nàn và sẵn sàng thay đổi. Nhiệm vụ của chính phủ là đảm bảo rằng quốc gia mình sẽ vươn lên từ chính những thách thức trước mắt.