Thị trường cho vay tiêu dùng: Còn nhiều "đất" để phát triển

Tài chính - Ngày đăng : 06:25, 17/03/2016

(HNM) - Được biết, dư nợ cho vay tiêu dùng hiện chỉ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ tín dụng cả nước và mới chỉ có khoảng 20% dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng. Những số liệu này cho thấy, tiềm năng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam còn rất lớn.


- Có ý kiến cho rằng, 2016 sẽ là năm chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các CTTC và ngân hàng thương mại trong việc phát triển CVTD. Bà có nhận xét gì về vấn đề này?

- Đúng vậy, năm 2016 các ngân hàng sẽ tập trung phát triển mảng ngân hàng bán lẻ. Tuy nhiên, các CTTC vẫn có thế mạnh riêng của mình để cạnh tranh với ngân hàng trong mảng CVTD. Tiện ích đầu tiên là các CTTC cung cấp sự tiện lợi, nhanh chóng cho khách hàng. Với ngân hàng thì khách phải đến ngân hàng để vay tiền, trong khi chỉ cần vào một cửa hàng bán lẻ hàng điện tử, xe máy… họ đã được phục vụ bởi nhân viên CTTC. Thủ tục của CTTC đơn giản, chỉ cần giấy tờ tùy thân (CMND, hộ khẩu, hoặc bằng lái xe) với thời gian giải ngân “siêu tốc”. Đặc biệt, các CTTC cũng đưa ra nhiều mức lãi suất để khách hàng lựa chọn tùy theo các loại giấy tờ mà mình có thể cung cấp để chứng minh thu nhập, khả năng trả nợ. Thứ hai, khách hàng của CTTC thường là những người không thỏa mãn điều kiện vay của ngân hàng như những người làm nghề tự do không cung cấp được hợp đồng lao động, bảng lương… Cuối cùng, khoản vay của CTTC khá nhỏ và trong thời gian ngắn, chỉ dưới 50 triệu đồng, kỳ hạn phổ biến là 6-12 tháng. Những sản phẩm tín dụng này ngân hàng không cung cấp. Nếu có thì là hình thức cho vay qua thẻ, mà để có thẻ tín dụng thì không đơn giản. Do vậy, dù ngân hàng có tập trung vào mảng ngân hàng bán lẻ, trong đó có CVTD thì CTTC vẫn có một phân khúc khách hàng khác riêng.

Hình thức cho vay tiêu dùng được công ty tài chính quan tâm phát triển mạnh trong thời gian qua.


- Theo bà, sản phẩm cho vay mà các CTTC đang triển khai hiện nay đã phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng và thực sự hấp dẫn được người vay?

- Các sản phẩm mà CTTC đang triển khai ngày càng tiệm cận với nhu cầu của người Việt. Điều này được minh chứng thông qua số lượng khách hàng của Home Credit ngày càng tăng qua các năm. Đến nay, sau 7 năm hoạt động tại Việt Nam, Home Credit đã có hơn 3 triệu khách hàng, với số lượng đơn xin vay vốn trung bình mỗi ngày là 5.900, tăng gần 20% so với trung bình của năm 2014. Không chỉ với khách hàng, các CTTC cũng có thiết kế những sản phẩm phù hợp với kế hoạch, mục tiêu của đối tác là các nhà bán lẻ và nhà sản xuất.

Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ CVTD chỉ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ tín dụng cả nước. Trong khi đó, chỉ có khoảng 20% dân số Việt Nam (khoảng gần 20 triệu người) có tài khoản ngân hàng. Như vậy, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân còn rất nhiều. Trong trung hạn, CVTD của Việt Nam vẫn còn nhiều “đất” để phát triển.

- Gần đây, Home Credit đã đưa ra thị trường những gói vay tiêu dùng với lãi suất 0%. Lãi suất 0% là mong muốn của nhiều khách hàng, nhưng không ít người đặt câu hỏi, làm thế nào CTTC có thể cho vay 0% trong suốt thời hạn vay?

- Với Home Credit, chúng tôi khẳng định những sản phẩm lãi suất 0% đưa ra thực sự là không tính lãi trong suốt thời hạn vay. Đơn cử, khách hàng vay mua điện thoại giá 10 triệu đồng lãi suất 0% trong vòng 6 tháng sẽ trả trước 30% là 3 triệu đồng. 7 triệu đồng còn lại sẽ chia đều trả dần trong 6 tháng.

Các khoản vay có lãi suất 0% là nhờ sự chia sẻ lợi nhuận giữa CTTC và các đơn vị bán hàng, nhà sản xuất. Chúng tôi đã gặp các nhà cung cấp để thỏa thuận và nhiều doanh nghiệp bán lẻ nhận ra rằng, kết hợp với CTTC cho vay 0% lãi suất, lợi nhuận trên một sản phẩm có thể giảm chút ít nhưng doanh số sẽ tăng nhờ bán được nhiều sản phẩm hơn. Với những sản phẩm này, cả 4 bên sẽ cùng có lợi, người tiêu dùng được vay không lãi suất, người sản xuất và nhà bán lẻ bán được nhiều hàng, CTTC có khách hàng và Chính phủ cũng thu được nhiều thuế hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa tất cả khách hàng của chúng tôi được vay 0%. Thực tế, một số khách hàng vẫn phải chịu lãi suất cao vì có lịch sử tín dụng chưa tốt.

Cùng với những sản phẩm lãi suất 0%, chúng tôi cũng ngày càng đa dạng hóa các sản phẩm tài chính, cho phép khách hàng chọn mức phí trả trước (10-50% giá trị món hàng), lựa chọn kỳ hạn vay (6-36 tháng). Bộ phận quản lý rủi ro của chúng tôi cũng đóng góp vào việc đưa ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng. Ngoài những công cụ đánh giá truyền thống dựa trên lịch sử tín dụng của khách hàng, chúng tôi còn sử dụng những mô hình thống kê để thiết lập hồ sơ về những hành vi tiềm năng của khách hàng. Mô hình này giúp tối đa hóa tất cả những hiểu biết của mình về khách hàng. Nhờ vậy, Home Credit có thể đưa ra nhiều sản phẩm phục vụ mục đích đa dạng của khách hàng.

- Xin cảm ơn bà.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 262/QĐ-NHNN (ngày 3-3-2016), chấp thuận việc nâng vốn điều lệ của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (gọi tắt là VPBFC - thương hiệu FE Credit) lên 1.900 tỷ đồng (từ 1.500 tỷ đồng). Việc tăng vốn điều lệ này tạo điều kiện cho FE Credit tái cơ cấu công ty và hướng đến việc đáp ứng nhanh hơn các nhu cầu tài chính tiêu dùng của người dân Việt Nam...

Mai Châu