Tăng phí đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Quốc lộ 5
Giao thông - Ngày đăng : 12:25, 16/03/2016
Tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng nhìn từ trên cao. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) |
Theo đó, mức phí cao nhất của tuyến đường cao tốc này là 840.000 đồng/lượt và Quốc lộ 5 là 200.000 đồng/lượt.
Đây là điều chỉnh mức thu phí theo lộ trình tăng phí sử dụng đường bộ trên Quốc lộ 5 do Bộ Tài chính quy định để duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông Quốc lộ 5 và phần còn lại để hoàn vốn theo phương án tài chính cả dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao).
Từ ngày 5/12/2015 (sau 7 năm triển khai xây dựng), đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng được đưa vào khai thác sử dụng. Hiện nay, tuyến cao tốc này mỗi ngày có khoảng 17.000-18.000 lượt xe. Mức phí bình quân 1,7-1,8 tỷ đồng trên cao tốc và 1 tỷ đồng ở Quốc lộ 5. Tổng chung là 2,8 tỷ đồng/ngày của VIDIFI.
Thừa nhận là công trình có hiệu quả kinh tế-xã hội nhưng việc thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn, ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIDIFI, cho biết, dự án được Nhà nước hỗ trợ 39% tổng mức đầu tư trong đó chủ đầu tư phải rất cố gắng để đầu tư vào các khu công nghiệp, khu đô thị được giao đê thu được 16% từ tiền sử dụng đất, được thu phí Quốc lộ 5 theo Thông tư 159/2013/TT-BTC và thu phí cao tốc với mức tương đương với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây để hoàn vốn nhưng VIDIFI phải mất tới 30 năm mới hoàn vốn đầu tư.
“Nếu không tăng phí theo phương án tài chính đã được các Bộ, ngành phê duyệt thì phương án tài chính không đảm bảo và sẽ không đủ trả lãi ngân hàng,” ông Chiến khẳng định.
Bổ sung thêm, vị Chủ tịch Hội đồng quả trị VIDIFI cho rằng, VIDIFI không vì mục tiêu lợi nhuận và đã cố gắng hết sức xin hỗ trợ từ Nhà nước, tăng các nguồn thu khác như đầu tư khu đô thị, khu công nghiệp được giao đê thu hồi một phần vốn và để có thể thu phí ở mức hợp lý.
“Để thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và sửa chữa, bảo dưỡng, cải tạo Quốc lộ 5 và trong điều kiện ngân sách Nhà nước có hạn, không thể hỗ trợ thêm cho dự án nên việc tăng phí đường bộ của 2 tuyến đường này là không thể không thực hiện,” ông Chiến lý giải.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng phí theo phương án tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận còn nhằm thực hiện đúng phương án tài chính để tạo điều kiện có thể chuyển nhượng một phần hợp đồng BOT dự án cao tốc Hà Nội-Hải Phòng cho các đối tác./.