Phòng bệnh lở mồm, long móng cho gia súc
Xã hội - Ngày đăng : 06:51, 16/03/2016
Đường lây truyền chủ yếu qua các chất chứa mầm bệnh như dãi, đờm, nước bọt, hơi thở… lây qua đường không khí, gió, thức ăn, nước uống; do tiếp xúc trực tiếp giữa con khỏe và con ốm, lây qua vật chủ trung gian như ruồi, muỗi. Thời gian ủ bệnh 2-7 ngày, sau đó sẽ xuất hiện các triệu chứng: Con vật ủ rũ, lông dựng, kém ăn; sốt 40-41oC, gương mũi khô, xuất hiện các mụn ở miệng, ở gót chân… Mới đầu mụn nước nhỏ sau nhanh chóng to và nổi lên màu trắng, dần dần to rồi vỡ. Các nốt vỡ chảy dịch màu vàng rơm, để lại vết loét màu đỏ. Con vật bị tổn thương có biểu hiện đau mồm không ăn được, chảy nhiều nước dãi trắng như bọt xà phòng; đau chân đứng không yên, đổi chân liên tục, nhấc lên rồi hạ xuống…; trường hợp nặng không phòng, trị bệnh kịp thời, con vật có thể bị chết.
Thiệt hại do bệnh LMLM gây ra là rất lớn, cụ thể: Bệnh nhanh chóng trở thành dịch sẽ tốn kém trong công tác phòng chống; ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ thịt, sữa ở gia súc; tăng chi phí cho phòng và điều trị bệnh; môi trường chuồng nuôi luôn bị ô nhiễm. Đặc biệt, ảnh hưởng lớn đến việc vận chuyển, lưu thông, giết mổ động vật khi phải công bố dịch.
Phòng bệnh là biện pháp chủ động có hiệu quả nhất, cụ thể, khâu vệ sinh phòng bệnh được đặt lên hàng đầu bảo đảm chuồng trại khô ráo, thoáng, sạch; phun thuốc sát trùng, sử dụng các loại thuốc như: Halamit, Vikol… Trước khi phun thuốc sát trùng, làm tốt khâu vệ sinh. Phát hiện gia súc nghi mắc LMLM thì dừng ngay việc chăn thả, báo ngay cho cán bộ thú y để có biện pháp can thiệp kịp thời. Định kỳ tiêm phòng vắc xin LMLM theo hướng dẫn của cơ quan thú y, đây là biện pháp bắt buộc để tạo miễn dịch chủ động cho con vật.
Trường hợp phát hiện con vật bị bệnh cần cho cách ly ngay để áp dụng đồng thời biện pháp phòng, trị bệnh. Đặc biệt, cần nhốt gia súc ở nơi khô ráo, sạch, cho ăn thức ăn mềm, ngon, sử dụng các loại thuốc bổ trợ nâng cao sức đề kháng cho con vật. Trường hợp con vật có vết loét, xử lý mụn loét bằng các loại lá chát, lá chua (chanh, khế, dấm, phèn chua). Dùng kháng sinh (Hampiseptoi, Gentacostrim) bôi vết thương. Trường hợp thấy con vật có triệu chứng sốt cao dùng kháng sinh tiêm để chống kế phát.