Hà Nội: Tạo đột phá từ chương trình giống nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu
Nông nghiệp - Ngày đăng : 20:44, 12/01/2023
Năm 2022 là năm nhiều chương trình phát triển nông nghiệp của ngành nông nghiệp được triển khai có hiệu quả trên các loại cây trồng, vật nuôi, tạo đột phá cho chương trình giống của Thủ đô thích ứng với biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ...
Cụ thể, năm qua, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng mới được 16 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa; 3 mô hình chuyển đổi sản xuất lúa - cá tại 19 xã thuộc 8 huyện, quy mô 1.117ha. Hiệu quả kinh tế sản xuất lúa Japonica cao hơn các giống lúa khác khoảng 27,3 triệu đồng/ha/vụ.
Phát biểu tại hội nghị, bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp thành phố nhấn mạnh, xác định việc lựa chọn tạo giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu, năng suất cao, chất lượng gạo tốt, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường trong nước và xuất khẩu, trung tâm đã tập trung vào bộ giống lúa Japonica và các loại giống mới chất lượng cao như HD11, Đài thơm 8, J02, RVT, HDT10, Bách hợp… Trung tâm còn phối hợp với doanh nghiệp và các xã, hợp tác xã tổ chức 50 lớp tập huấn cho hơn 1.500 nông dân tại 60 hợp tác xã tham gia kế hoạch năm 2022.
Nhờ đó, các vùng lúa chất lượng cao được chứng nhận chất lượng an toàn, VietGAP… ngày một tăng. Các mô hình canh tác lúa mới đạt hiệu quả trên các mặt: Môi trường sinh thái, kinh tế - xã hội…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương nhấn mạnh, là địa phương có diện tích lúa lớn của khu vực phía Bắc với khoảng 150.000ha, thời gian tới, diện tích lúa của Hà Nội sẽ giảm để phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khác, cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tái cơ cấu ngành.
Tuy nhiên, về năng suất, giá trị gia tăng cần được giữ vững và tăng trưởng. Hà Nội xác định phát triển các vùng lúa chuyên canh chất lượng cao gắn với chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, qua đó bảo đảm đời sống cho người trồng lúa. Việc chọn được bộ giống mới, đột phá về năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu của trung tâm là rất đáng ghi nhận.
Ông Nguyễn Mạnh Phương đề nghị, năm 2023, trung tâm cần triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả cao kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu thành phố giai đoạn 2021-2025; kế hoạch phát triển sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản của Hà Nội giai đoạn 2021-2025; xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021-2025; kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi (bò thịt, bò sữa) và thủy sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025...