Sửa đổi Thông tư 36: Còn nhiều ý kiến trái chiều
Bất động sản - Ngày đăng : 18:37, 15/03/2016
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Thông tư 36 sẽ giúp thị trường BĐS lành mạnh, tránh đóng băng như năm 2007. Theo đó, thống kê đến đầu năm 2016 cho thấy tăng trưởng tín dụng BĐS tăng mạnh và liên tục góp phần tăng tỷ lệ tín dụng trung dài hạn/tổng tín dụng lên mức giới hạn 50%. Theo ông Hiển, việc NHNN phải đưa những tiêu chuẩn mà những năm 2013 – 2014 đã nới ra trở về mức tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% xuống 40%, hệ số rủi ro tín dụng kinh doanh BĐS từ 150% lên 250% như dự thảo Thông tư sửa đổi là hợp lý để tránh rủi ro thanh khoản.
Ông Hiển cũng cho rằng các DN không nên quá lo lắng về việc Thông tư 36 thắt chặt tín dụng trong năm 2016, bởi dư địa cho vay trung dài hạn là 540.000 tỷ đồng trong khi dư địa BĐS hiện mới 390.000 tỷ đồng. Ông Hiển cho rằng vấn đề tâm lý tác động đến thị trường là có thật. Tuy nhiên các DN không nên lo vì Thông tư 36 tác động đến tâm lý nhà đầu tư đầu cơ, khiến họ chùn bước không dám đầu cơ; còn người mua đầu tư và ở lâu dài sẽ không bị ảnh hưởng tâm lý này.
Khác với chuyên gia Đinh Thế Hiển, TS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh nhận xét tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn điều chỉnh từ 60% xuống 40% sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cho vay trung dài hạn và đặc biệt là cho vay đối với BĐS. Bởi theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 31/12/2015 tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các NHTM nhà nước và NHTM cổ phần lần lượt là 33,36 và 36,90%. Con số này tiếp tục tăng nhanh trong tháng đầu năm 2016 nên rất gần với con số 40% đang dự thảo. Còn theo tính toán của tác giả dựa vào báo cáo tài chính của một vài NHTM lớn trên địa bàn thì trên 90% nguồn vốn ngân hàng huy động là ngắn hạn. Do đó, nếu giới hạn tỷ lệ cho vay 40% thì room còn lại cho vay BĐS sẽ không nhiều.
Việc điều chỉnh này, theo TS Bùi Quang Tín là nhanh và mạnh hơn so với các lần điều chỉnh trước khi thị trường BĐS vừa mới phục hồi. Chính vì vậy sẽ ảnh huowgr đến kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng trong năm nay. Với các DN BĐS, việc điều chỉnh này sẽ khiến cấc DN phải điều chỉnh phương án kinh doanh cho phù hợp với các quy định mới của ngân hàng, có thể giảm dự án, giảm cơ hội mua nhà của người dân.
Về góc độ DN, ông Phạm Lê Tuấn, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Hưng Lộc Phát cũng công nhận sự điều chỉnh Thông tư 36 là cần thiết, dù có thể sẽ có tác động tiêu cực đến thị trường BĐS mới vừa phục hồi hơn 2 năm qua từ đáy sâu khủng hoảng. Ở góc độ DN mình, ông Tuấn khẳng định “Việc điều chỉnh sẽ khiến cho nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS lo lắng nhưng riêng với Hưng Lộc Phát, chúng tôi mạnh dạn khẳng định không lo lắng. Bởi hầu hết tất cả các dự án đã và đang đầu tư của Hưng Lộc Phát như cao ốc Hưng Phát, Hưng Phát Silver Star, The Golden Star đều không phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn vay từ ngân hàng", ông Tuấn nói. Đại diện DN này chỉ kiến nghị NHNN nên cân nhắc sắp xếp lộ trình thực hiện phù hợp để ngân hàng, DN sắp xếp lại kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình.
Đây cũng là ý kiến của ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng). Theo ông Phấn, thị trường BĐS vừa thoát khỏi khó khăn, đang phục hồi và chưa có dấu hiệu bong bóng nên cần có lộ trình. Cục sẽ có văn bản gửi ngân hàng để hoàn thiện Thông tư 36.
Ông Nguyễn Trọng Du, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng của NHNN cho biết sẽ xem xét thận trọng các đề xuất. Theo ông Du, các tỷ lệ này nhằm kiểm soát, điều chỉnh hợp lý để ngân hàng lành mạnh hơn.
NHNN chỉ yêu cầu cho vay lĩnh vực này có nhiều vốn hơn để dự phòng rủi ro chứ không can thiệp vấn đề cho vay của ngân hàng thương mại, không yêu cầu siết lại điều kiện cho vay. Việc cho ai vay, vay như thế nào là do nghiệp vụ thẩm định của ngân hàng. NHNN cũng tính đến lợi ích của nền kinh tế và cả những khoản tiền gửi ở ngân hàng cũng được bảo vệ.
Ông Nguyễn Trọng Du cho biết NHNN sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến nhiều chiều trong quá trình soạn thảo chính sách.