Kịch "Sự sắp đặt của số phận": Đời thường mà sâu sắc
Giải trí - Ngày đăng : 07:01, 15/03/2016
Một cảnh trong vở kịch “Sự sắp đặt của số phận”. |
Nhà văn Xuân Đức trước nay thường lấy cảm hứng sáng tác từ sự kiện có thật, gây rúng động trong đời sống. Những tưởng sẽ được gặp một câu chuyện kinh khủng, kịch tính, bùng nổ như bao kịch bản khác đã lên sân khấu, thì thật bất ngờ "Sự sắp đặt của số phận" diễn ra nhẹ nhàng, giản dị, gần gũi. Vở kịch mở đầu với bối cảnh ở một khu công nghiệp, khi Hạnh - cô gái nông thôn chỉ học hết phổ thông, được tổng giám đốc của một tổng công ty xây dựng lớn về tận quê mời lên làm việc tại Hà Nội.
Ai cũng nghĩ cô may mắn, thuận lợi nhưng nào biết rằng đằng sau đó là một câu chuyện khác, như Xuân Đức vẫn hay sử dụng - truyện lồng truyện, kịch lồng kịch. Đó là trả một món nợ từ hơn 20 năm trước, đó là sự sắp đặt của một kẻ cơ hội, để cuộc sống yên ổn, có lợi cho những ai biết mưu mô, tính toán. Nhưng tất nhiên, mọi sự không thể cưỡng lại được số phận, chuyện trước, chuyện nay đều dần dần hé lộ, tháo gỡ. Kẻ ác, nham hiểm phải trả giá và đường về vẫn rộng mở cho người biết ăn năn, sám hối.
Câu chuyện kịch cứ thế diễn ra, nhiều người đoán được diễn biến, đạo diễn không chắc tay thì vở kịch khó tránh khỏi tẻ nhạt. Hơn nữa, cách sắp đặt sân khấu gồm những khối hình hộp mà xoay mỗi mặt lại tạo ra bối cảnh mới, tưởng chừng rất đơn giản. Nhưng NSND Hoàng Dũng đã đẩy sâu, tạo sự lôi cuốn khi tập trung vào diễn viên, buộc họ phải diễn nội tâm, bộc lộ trạng thái thật nhất, gần nhất nhằm chinh phục khán giả. Thế nên khán giả có thể bức xúc thay cho anh Vạn tốt bụng không mạnh dạn bày tỏ tình yêu của mình.
Họ sợ cho cô Hạnh bị chàng cử nhân Quân lừa, phản bội. Họ cũng bực bội khi Tổng Giám đốc Chí Huân cứ phải nhún nhịn tay Trưởng phòng Tổ chức. Và nhiều người phải đau đáu suy nghĩ với câu nói với Hạnh của Cẩm Tú: "Bao nhiêu ThS, TS vẫn còn thất nghiệp đầy ra kia kìa. Liệu nàng Châu Long có đủ sức giúp cho Lưu Bình một chỗ đứng ở thời nay hay không?", khi Hạnh chỉ biết chăm lo cơm áo hằng ngày cho Quân song không có vị thế, quan hệ để giúp anh có việc làm đúng sở trường…
Dàn diễn viên không quá nổi danh, nên họ cũng không chịu mấy áp lực và diễn rất tự nhiên. Đoàn kịch 3 của Nhà hát Kịch Hà Nội có tiền thân là Đoàn Kịch nói Hà Tây, những năm gần đây thường dàn dựng và biểu diễn các tiểu phẩm, chùm hài, ít khi thực hiện một vở chính kịch dài gần hai tiếng. NSƯT Đức Quang, Trưởng đoàn chia sẻ: "Anh em khá lo lắng khi nhận vở, nhưng tôi chưa từng thấy lần nào đoàn tập lâu, đầu tư công sức kỹ với kịch đến vậy". Và họ đã gây ngạc nhiên cho khán giả về khả năng diễn xuất. Nhất là vai Trưởng phòng Nại của NSƯT Xuân Đông, anh đã đủ duyên và lanh để nhào nặn, xoay xỏa mọi chiều hướng kịch, khiến những nút thắt được chặt chẽ, nút tháo được dễ dàng. Vai chị chủ nhà trọ Nổ của nghệ sĩ Kim Thanh thì khiến khán giả thích thú mãi với bất cứ lời thoại nào chị thốt ra.
Kịch Xuân Đức không bao giờ đơn giản. Nó khiến người xem phải suy nghĩ nhiều khi sân khấu khép màn. Khán giả Nguyễn Thị Tuyết Mai (Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội) bần thần: "Ôi, thật giống với đời thường, xã hội bây giờ nhiều chuyện như thế". Những câu chuyện quá đời thường được thể hiện nhẹ nhàng mà len lỏi sâu trong khán giả những cảm xúc không bình lặng, những mong muốn thay đổi và hành động.