Lo ngại sức ép lên lãi suất cho vay

Tài chính - Ngày đăng : 20:26, 14/03/2016

(HNMO)-Việc một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động VND, trong đó có nhà băng áp lãi suất tới 8%/năm khiến nhiều người lo ngại lãi suất cho vay tăng theo.


Từ cuối năm 2015, một số ngân hàng thương mặt đã tăng lãi suất huy động VND nhằm thu hút tiền gửi của dân cư. Chưa dừng lại ở đó, thời gian qua, lãi suất huy động lại rụch rịch tăng, tập trung chủ yếu vào kỳ hạn trung và dài. Đáng chú ý, có nhà băng áp dụng mức lại suất vượt trội 8%/năm nhằm thu hút tiền gửi.

Nguyên nhân khiến một số nhà băng nâng lãi suất huy động được cho là họ đẩy mạnh thu hút vốn, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng sau Tết. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng một số ngân hàng đẩy lãi suất lên cao chủ yếu để thu hút sự chú ý với khách hàng và nắm giữ thị phần nhiều hơn. Bên cạnh đó, cũng có thể ngân hàng tăng lãi suất để đón đầu Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36. Theo Thông tư sửa đổi, bổ sung của Thông tư 36, các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa là 40% thay vì 60% như trước. Chính vì vậy, nhiều nhà băng tranh thủ thu hút nguồn vốn trung và dài hạn ngay từ bây giờ.

Một số chuyên gia lo ngại lãi suất huy động VND tăng sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng. Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lãi suất huy động tăng sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến lãi suất cho vay, và mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh khó có thể thực hiện.

Theo ông Bùi Quốc Dũng-Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, việc xuất hiện một số món gửi
ở mức 8%/năm gần như chỉ để gây chú ý và quảng bá
(ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Tuy nhiên, ông Bùi Quốc Dũng-Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ-Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thống kê của NHNN cho thấy, 2 tháng đầu năm 2016 có 15 tổ chức tín dụng tăng lãi suất với mức tăng bình quân từ 0,1-0,2%/năm, trong khi có 6 tổ chức tín dụng lại giảm, bình quân từ 0,1-0,3%/năm. Vì vậy, mức lãi suất huy động hiện tại vẫn cơ bản ổn định so với cuối năm 2015. Cụ thể, mặt bằng bình quân kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,5 - 5,4%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 5,5 - 7,2%/năm. “Kết quả đó cho thấy, việc tăng lãi suất huy động không phải xu hướng chung mà chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng sau Tết. Về cơ bản, việc tăng lãi suất của các ngân hàng này không phải xu hướng chung của toàn thị trường vì trên thực tế, cũng có nhiều ngân hàng thực hiện giảm lãi suất huy động”, ông Dũng nói.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, việc xuất hiện một số món gửi ở mức 8%/năm gần như chỉ để gây chú ý và quảng bá. Qua phân tích chỉ số chi phí vốn/thu nhập, hệ số lợi nhuận biên ròng của các tổ chức tín dụng từ đầu năm đến nay không thay đổi. “Như vậy, mặt bằng lãi suất không tác động đến chỉ số này. Nhiều người nói, lãi suất huy động và cho vay tăng nhưng quan trọng là yếu tố “net” ở giữa ổn định thì chẳng có lý do gì để nói lãi suất tăng. Có chăng, chỉ là sự chuyển dịch mặt bằng lãi suất giữa các kỳ hạn mà thôi. NHNN chưa thấy các yếu tố thanh khoản và lợi nhuận biên ròng đột biến để gây áp lực lên lãi suất”, ông Dũng nhấn mạnh.

Ngoài ra, người đứng đầu Vụ chính sách tiền tệ cho hay, mặt bằng lãi suất cho vay hiện vẫn ổn định so với cuối năm 2015. Cụ thể, lãi cho vay kỳ hạn ngắn phổ biến 6 - 9%/năm, trung và dài hạn 9 - 12%/năm. Phân khúc khách hàng tốt, các tổ chức tín dụng áp dụng 5- 6%/năm. Tính bình quân lãi suất cho vay là 8,85%/năm, ổn định so với cuối năm 2015 và giảm đáng kể so với mức bình quân 10,3%/năm của năm 2014, 12%/năm của năm 2013 và 15%/năm của năm 2012.

Đó là chưa kể, xét về cân đối chi phí vốn và thu nhập thì hệ số lợi nhuận biên ròng của các tổ chức tín dụng vẫn ổn định từ đầu năm đến nay. Đây là những điều kiện hỗ trợ, giúp cho mặt bằng lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng tiếp tục ổn định và chưa có sức ép tăng.

Hơn nữa, hệ số lợi nhuận biên ròng của các tổ chức tín dụng không thay đổi, mặt bằng lãi suất vẫn ổn định và do đó lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức cũ, không bị tác động dù áp lực cũng rất lớn.

Ông Bùi Quốc Dũng cho biết, ở góc độ điều hành, NHNN sẽ tiếp tục kiên định điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, thực hiện linh hoạt việc bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để điều tiết thanh khoản hợp lý hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn thông suốt cho nền kinh tế. NHNN cũng sẽ điều hành lãi suất liên ngân hàng ở mức phù hợp với tương quan lãi suất thị trường 1 (thị trường các ngân hàng thương mại huy động vốn và cho vay với các tổ chức kinh tế, cá nhân), đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát và không gây áp lực lên tỷ giá.

“Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như vậy, mục tiêu ổn định và phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất trung và dài hạn trong năm 2016 là khả thi”, ông Dũng tin tưởng.

Hương Thủy