Người Việt có khó cải thiện tầm vóc?

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:56, 14/03/2016

(HNM) - Với những con số mà Bộ Nội vụ và Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam vừa công bố về tầm vóc người Việt đã khiến nhiều người không khỏi giật mình. Đó là chiều cao trung bình của nam giới nước ta hiện chỉ đạt 164,4cm, nữ giới đạt 153,4cm, thấp hơn lần lượt 13cm và 10cm so với chuẩn chung của thế giới.

Nếu cải thiện chế độ dinh dưỡng và luyện tập thể thao thì tầm vóc của người Việt Nam hoàn toàn có thể được cải thiện.Ảnh: Bá Hoạt


Dinh dưỡng không hợp lý

Theo báo cáo trên, chiều cao của nam thanh niên Việt Nam thua xa Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ, thậm chí thấp hơn Lào, Campuchia và chỉ cao hơn Philippines, Indonesia. Hiện đất nước đứng đầu trong danh sách chiều cao của nam thanh niên Châu Á là Hàn Quốc với chiều cao 175,3cm; tiếp sau đó là Nhật Bản (171,2cm), Singapore (170,6cm), Trung Quốc (169,4cm), Ấn Độ (165,3cm), Malaysia (164,7cm). Việt Nam đứng thứ 3 từ dưới lên với chiều cao trung bình là 164,4cm. Hai quốc gia đứng cuối bảng là Philippines (163,5cm) và Indonesia (158cm).

Đề cập tới yếu tố ảnh hưởng đến tầm vóc của người Việt, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia dẫn chứng, nghiên cứu về những trẻ (từ sơ sinh cho đến 18 tuổi) có nguồn gốc bố mẹ là người Việt, sinh ra ở TP Paris (Pháp) cho thấy, trẻ em người Việt phát triển như người Pháp. Điều đó chứng tỏ, người Việt cũng có tiềm năng để phát triển chiều cao như các nước. "Yếu tố di truyền chỉ góp một phần, trong khi yếu tố dinh dưỡng, môi trường và luyện tập thể thao rất quan trọng trong việc phát triển tầm vóc và thể lực lại chưa được người Việt quan tâm đúng mức", PGS.TS Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh.

PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia: 

Không chỉ ảnh hưởng đến thể trạng, khi khẩu phần canxi thấp dưới 600mg/ngày sẽ liên quan nhiều đến bệnh tăng huyết áp, ung thư trực tràng. Thiếu canxi dài hạn cũng khiến tăng nhạy cảm thần kinh, mệt mỏi, ớn lạnh, chuột rút, kèm theo một loạt các nguy cơ loãng xương, gãy xương.

Với tình trạng xương biến dạng do loãng xương thì sau 70 tuổi 100% người Việt mắc bệnh xương khớp, đây sẽ là gánh nặng cho gia đình và xã hội.


Dù khỏe mạnh, nhanh nhẹn nhưng bé trai hơn 3 tuổi con chị Nguyễn Thanh Hà (ở đường Ngọc Lâm, quận Long Biên) trông bé hơn hẳn so với các bạn cùng độ tuổi. Chị Hà cho biết, vợ chồng chị quan niệm, không ép ăn hay cho uống những thứ con không thích. Một trong những thứ con chị không thích uống chính là sữa. "Chiều cao là do di truyền, bố mẹ lùn thì con không thể cao. Vì vậy, vợ chồng tôi không quá coi trọng chuyện chiều cao hay cân nặng mà để con phát triển tự nhiên", chị Hà nói.

Bàn về những bất lợi trong tiêu dùng thực phẩm ở nước ta ảnh hưởng đến sự phát triển tầm vóc, PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, với khẩu phần canxi 35 năm nay của người Việt không thay đổi, chỉ đạt 500-540 mg/người/ngày mới đáp ứng 50-60% khẩu phần khuyến nghị. PGS.TS Lê Bạch Mai đưa ra lý do về khẩu phần canxi chưa đáp ứng nhu cầu. Cụ thể, với cua đồng giàu canxi nhưng lượng canxi tập trung nhiều ở mai hay cá nhiều canxi tập trung ở xương, canxi ở vỏ tôm... Dù cua, tôm, cá nhiều canxi nhưng không ai có thể ăn được cả mai và yếm cua, cá ăn cả xương hay tôm ăn cả vỏ.

Với lượng canxi nạp vào đã thấp thì việc đào thải canxi lại tăng lên do người Việt ăn quá nhiều thịt, ăn quá mặn. Trong khi sữa là thực phẩm cung cấp đầy đủ chất đạm, chất béo, vitamin, chất khoáng, nhất là tăng canxi giúp cơ thể phát triển toàn diện và khỏe mạnh thì người Việt ít sử dụng sữa và chế phẩm từ sữa. Qua kết quả các cuộc tổng điều tra của Viện Dinh dưỡng, mức tiêu thụ sữa của người Việt mới đạt 11 lít/người/năm (bằng 1/2 Thái Lan, bằng 1/3 Singapore).

Thấp bé, nhẹ cân không phải thuộc tính di truyền

Theo nhiều nghiên cứu của Nhật Bản, các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của con người gồm chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%, vận động thể thao chiếm 20%, môi trường tâm lý và xã hội chiếm 16% và yếu tố chủng tộc di truyền chiếm 23%. Như vậy, có đến hơn 3/4 (77%) yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao đều có thể cải thiện được. Câu hỏi được đặt ra là tại sao không cải thiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học để cho con em mình cơ hội "xứng tầm" với bè bạn năm châu?

So với Nhật Bản, mấy thập kỷ trước người Việt cao hơn người Nhật 2cm. Thế nhưng, nhờ thay đổi chế độ dinh dưỡng, đến nay nam thanh niên Nhật Bản cao hơn ta gần 7cm. PGS.TS Lê Bạch Mai cho rằng, với tốc độ tăng chiều cao 1-1,5cm trong một thập kỷ qua, chúng ta phải mất từ 60 đến 80 năm nữa mới cao được như người Nhật hiện nay.

Cũng theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của Việt Nam vẫn ở mức cao. Trung bình mỗi năm có 1,9 triệu trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi. Số trẻ này sẽ hụt khoảng 10cm chiều cao so với bạn bè cùng trang lứa khi trưởng thành. Qua nhiều nghiên cứu còn cho thấy, việc bổ sung sữa đã giúp cải thiện khoảng 0,4cm/năm. Chiều cao của trẻ em Nhật Bản đã cải thiện nhờ quá trình can thiệp sớm trước khi người mẹ có thai, thời kỳ mang thai, cho con bú, trẻ ăn bổ sung, nhất là nhờ vào việc đưa sữa vào chương trình bữa ăn học đường. Trong 100g sữa tươi có 120mg canxi; 100g fomai có 720mg canxi; 100g sữa chua có 65-150mg canxi.

PGS.TS Lê Bạch Mai kết luận: Người Việt đừng coi sữa là thực phẩm xa xỉ mà hãy coi như một nguồn thực phẩm hằng ngày để bổ sung dinh dưỡng. Thấp bé, nhẹ cân không phải là thuộc tính di truyền của người Việt. Nếu cải thiện chế độ ăn, cộng thêm luyện tập thể thao thì tầm vóc của người Việt hoàn toàn có thể được cải thiện.

Thu Trang