Không phân biệt người được giới thiệu ứng cử với người tự ứng cử

Chính trị - Ngày đăng : 06:29, 14/03/2016

(HNM) - Còn hơn hai tháng nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Lựa chọn được đại biểu đủ đức, đủ tài trở thành người đại diện của nhân dân, thay mặt nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước hay địa phương là điều cử tri mong muốn.



Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho biết, số người tự ứng cử có xu hướng tăng lên; đồng thời nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước là không phân biệt người được giới thiệu ứng cử với người tự ứng cử.

- Vấn đề tự ứng cử vào Quốc hội và HĐND các cấp được dư luận rất quan tâm khi ngày bầu cử đang đến gần. Đề nghị ông cho biết, đến thời điểm này, cả nước có bao nhiêu người tự ứng cử?

- Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện số người tự ứng cử có phần tăng so với nhiệm kỳ trước. Số người tự ứng cử có xu hướng tăng lên ở hai thành phố lớn là Hà Nội (Hà Nội có 56 người tự ứng cử) và TP Hồ Chí Minh. Tôi cho rằng, đây là tín hiệu tốt. Số người tự ứng cử tăng lên cũng sẽ giúp MTTQ các cấp có thêm nhiều lựa chọn để qua hiệp thương giới thiệu được những người thực sự tiêu biểu vào danh sách ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.

Cử tri khu vực bỏ phiếu số 8 xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm (nay là phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) nghiên cứu danh sách và tiểu sử ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Ảnh: Bá Hoạt


- Việc triển khai các thủ tục với người tự ứng cử có thuận lợi không, thưa ông?

- Qua nắm bắt thông tin từ Mặt trận một số địa phương, bước đầu thấy, thủ tục với người tự ứng cử rất thuận lợi. Hồ sơ ứng cử đã có sẵn trên website của Hội đồng Bầu cử quốc gia hoặc do Sở Nội vụ - cơ quan thường trực của Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh cung cấp. Các ứng viên làm xong hồ sơ gồm đơn ứng cử, sơ yếu lý lịch, tiểu sử tóm tắt, 3 ảnh chân dung và bản kê khai tài sản, thu nhập rồi nộp trực tiếp cho Ủy ban Bầu cử địa phương mà không phải qua các bước sàng lọc ban đầu như các ứng viên do cơ quan, tổ chức giới thiệu. Nếu người tự ứng cử chuẩn bị hồ sơ kỹ càng, đầy đủ, đúng pháp luật thì không đơn vị nào được từ chối cả.

- Như vậy, người tự ứng cử đã được đưa vào danh sách sơ bộ những người ứng cử thì có được đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử không, thưa ông?

- Đối với những người tự ứng cử ĐBQH, hiện mới là thời điểm hoàn tất và nộp hồ sơ ứng cử. Khi Ủy ban Bầu cử cấp tỉnh tiếp nhận, nghiên cứu hồ sơ và nhận thấy, hồ sơ của người tự ứng cử đã hoàn chỉnh, không có khúc mắc gì, sẽ chuyển hồ sơ của những người tự ứng cử cùng với hồ sơ của những người được giới thiệu ứng cử đến Hội đồng Bầu cử quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử đến Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp tỉnh để đưa vào danh sách hiệp thương. Với người tự ứng cử đại biểu HĐND, quy trình cũng theo cách tương tự. Qua hiệp thương vòng 2 tới, cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử nếu đủ điều kiện thì được lập danh sách sơ bộ để gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; với người tự ứng cử thì bước này còn được lấy cả tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc. Qua bước này, những người đủ điều kiện sẽ được đưa vào danh sách hiệp thương lần thứ ba.

- Tuy nhiên, một số người tự ứng cử nêu vấn đề có thể gặp khó khăn trong tiến trình hiệp thương lần thứ ba...

- Hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ quyết định lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND. Có người hỏi tôi tại sao người ứng cử không được dự các cuộc hiệp thương? Xin trả lời luôn là việc này luật không quy định. Cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử đều không được tham dự cuộc hiệp thương. Thành phần tham gia hiệp thương như ở Trung ương chẳng hạn, gồm các Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và đại diện các tổ chức thành viên; ở cấp tỉnh, gồm Ban Thường trực Ủy ban MTTQ và đại diện các tổ chức thành viên cấp tỉnh... Quá trình tổ chức hiệp thương, không bao giờ có tư tưởng cho rằng người này được cơ quan, tổ chức giới thiệu thì ưu tiên hơn người kia không được giới thiệu. Tinh thần chỉ đạo là như vậy, tức là chỉ xem xét về chất lượng cùng các điều kiện liên quan, từ hồ sơ lý lịch, ý kiến cử tri nơi người ứng cử làm việc và cư trú, những vấn đề thuộc về nhân thân, những khiếu nại, tố cáo liên quan đến người ứng cử (nếu có).

Tôi nói tóm tắt một số điểm chính của quá trình hiệp thương như trên để nhấn mạnh rằng, quá trình này được quy định rõ ràng, công khai. Điều này cho thấy những đổi mới về thể chế và tinh thần đề cao dân chủ, sự bình đẳng giữa người được giới thiệu ứng cử với người tự ứng cử. Có danh sách chính thức rồi, cử tri sẽ là những người có quyền quyết định ứng viên nào xứng đáng làm ĐBQH, đại biểu HĐND.

- Dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực HĐND các cấp đã ấn định rất rõ ràng về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu, tỷ lệ đại biểu nữ, đại biểu trẻ... Vậy, người tự ứng cử thuộc cơ cấu nào?

- Mặc dù không có cơ cấu người tự ứng cử nhưng trong quá trình tiến hành công tác bầu cử thì luôn có người tự ứng cử.

Việc không quy định cơ cấu tỷ lệ người tự ứng cử trong các bản dự kiến không ảnh hưởng tới việc tự ứng cử. Bởi người tự ứng cử tham gia như một thành phần bình đẳng trong quá trình bầu cử, nếu trúng cử thì họ đương nhiên thuộc vào cơ cấu, thành phần nào đó (ví dụ như công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân, đại biểu trẻ, đại biểu phụ nữ, đại biểu là người dân tộc thiểu số...) trong Quốc hội, HĐND. Với các quy định, hướng dẫn hiện hành, ngay từ hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, các địa phương đã phải dự kiến giới thiệu số người ứng cử (gồm cả được giới thiệu và tự ứng cử) tối thiểu gấp đôi số đại biểu được bầu. Tiếp đó, đến vòng hiệp thương lần thứ ba - thống nhất được thì biểu quyết bằng tay, không thì bỏ phiếu kín để lựa chọn bảo đảm mỗi đơn vị bầu cử, nếu được bầu ba, phải có số dư ít nhất hai người. Danh sách mở như thế thì chắc chắn sẽ có mặt người tự ứng cử chứ không phải vì ngoài cơ cấu mà loại ra.

- Tham gia phục vụ các cuộc bầu cử đến nay là 4 kỳ, ông đánh giá thế nào về chất lượng ĐBQH tự ứng cử trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và có lời khuyên nào đối với người tự ứng cử?

- Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có 2 đại biểu bị bãi nhiệm đều là đại biểu tự ứng cử. Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều người tự ứng cử không qua được vòng “sát hạch” là hội nghị cử tri nơi cư trú chỉ vì ít được biết đến và ít tham gia các hoạt động tại khu dân cư nơi mình sinh sống, không biết chi bộ, tổ dân phố, ban công tác mặt trận ở đâu; bản thân và gia đình thiếu gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật. Mà dưới 50% ý kiến cử tri không đồng tình là một trong những căn cứ để hội nghị hiệp thương lần thứ ba loại ra khỏi danh sách.

Một người không gương mẫu, không được tín nhiệm tại nơi mình cư trú thì người đó không thể đại diện cho cử tri cả nước hay của một tỉnh, một huyện, một xã được. Vì thế, tôi mong muốn những người có ý định tự ứng cử phải xác định hết sức nghiêm túc trước khi nộp hồ sơ. Một nhiệm kỳ 5 năm là rất dài, là ĐBQH hay đại biểu HĐND đều phải có đủ sức khỏe, trách nhiệm để gắn bó với nhân dân, phải tham gia các kỳ họp dài ngày, chương trình giám sát, tiếp xúc cử tri, phản ánh trung thực ý kiến cử tri với Quốc hội, HĐND; phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Đại biểu còn có trách nhiệm tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo của công dân.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Phong