Triển lãm ảnh giàu xúc cảm

Văn hóa - Ngày đăng : 07:14, 13/03/2016

(HNM) - 150 tác phẩm do các nhiếp ảnh gia sáng tác trên vùng đất Quảng Ngãi được giới thiệu tại Hà Nội qua không gian triển lãm

Hai trong số các tác phẩm trưng bày tại triển lãm.


"Quê hương Hải đội Hoàng Sa là cách gọi thân thiết dùng để chỉ huyện đảo Lý Sơn, giờ cũng dùng để gọi người Quảng Ngãi nói chung" - Lời rủ rỉ tâm tình về tên gọi ấy của Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Quảng Ngãi Lê Văn Sơn tại Lễ khai mạc triển lãm khiến nhiều người xúc động. Hiện nay, trên đảo Lý Sơn, rất nhiều di tích, danh thắng gắn liền với Hải đội Hoàng Sa như Âm linh tự, Khu mộ gió lính Hoàng Sa, Nhà thờ Chánh đội trưởng thủy quân suất đội của Hải đội Hoàng Sa… Đặc biệt, hằng năm, tại Lý Sơn có Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức rất long trọng, thể hiện sự ngưỡng vọng của người dân đối với tiền nhân. Bất cứ người dân Lý Sơn - Quảng Ngãi nào cũng đều tự hào vì xuất thân từ quê hương Hải đội Hoàng Sa, được sống và tiếp tục ra khơi, bám biển, giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với văn nghệ sĩ, đề tài về ngư dân - hậu duệ của hùng binh Hoàng Sa thuở trước và những con người đang ngày đêm góp sức xây dựng biển đảo quê hương là một đề tài vừa thiêng liêng vừa gần gũi và là nguồn sáng tạo bất tận. Những người cầm máy luôn khát khao được phản ánh sinh động đề tài này tới công chúng. - Ông Lê Văn Sơn nói.

Qua nhiều đợt sáng tác của các nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, kho ảnh đặc sắc về mảnh đất này đã lên tới hàng chục nghìn tác phẩm. Cùng với các tác phẩm tuyển chọn từ chuyến đi thực tế do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tại Quảng Ngãi, 150 tác phẩm chọn lọc trưng bày lần này mang lại cho người xem những góc nhìn khác nhau về đất và người Quảng Ngãi - Lý Sơn. Những khoảnh khắc bấm máy không trùng hợp, những câu chuyện mà các nghệ sĩ mang tới khiến người xem cảm động và tự hào.

Phần lớn tác phẩm tại triển lãm là hình ảnh về ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường Quảng Ngãi: "Được mùa cá ngừ" (Ngô Thanh Bình), "Nét đẹp Sông Trà" (Nguyễn Tấn Phát), "Mùa cá cơm" (Hoàng Thu Trang), "Phân loại cá" (Duy Bằng), "Chợ cá Bình Châu" (Nguyễn Tấn Cư)… Hình ảnh về một Quảng Ngãi phong phú nghề truyền thống, có nhiều sản vật hiện lên qua "Được mùa tỏi", "Tơ đường" (Lê Minh Thể), "Chuẩn bị món ăn" (Ngô Thanh Bình), "Quế Trà Bồng" (Huỳnh Phúc Hậu), "Làm chổi đót" (Huỳnh Thế), "Nghề làm kẹo mè" (Minh Thế)… Ở đây, người xem có thể hiểu thêm về phong tục, tập quán của người dân Quảng Ngãi trong "Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa" (Nguyễn Đăng), "Đua thuyền" (Trịnh Nhân Hiểu)… Nhịp sống công nghiệp xuất hiện, đất biển có nhiều đổi thay, ta dễ thấy điều đó qua "Chế biến hải sản xuất khẩu" (Nguyễn Thanh Long), "Dây chuyền sản xuất nước giải khát" (Nguyễn Văn Xuân), "Trên tầm cao" (Bùi Thái Dũng), "Đường ống dẫn dầu thành phẩm nhà máy lọc dầu Dung Quất"… Bức ảnh nào cũng xuất hiện con người Quảng Ngãi với nét rắn rỏi, khỏe mạnh, rạng ngời niềm vui. Những người con đất Quảng Ngãi sát cánh bên các chiến sĩ hải quân ngày đêm bảo vệ biển trời Tổ quốc, canh giữ cho đất nước bình yên - điều này đã được thể hiện trong "Khúc quân hành" (Vũ Đức Phương), "Luyện võ" (Bạch Ngọc Anh), "Vượt dốc" (Lê Minh Thế)…

Cũng có chút tiếc nuối khi xem triển lãm này, như nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành đã nhận xét: Ảnh rất đẹp, nhiều góc nhìn, nhưng cơ bản là phản ánh cuộc sống yên ả, thanh bình. Mà vùng biển Lý Sơn, Quảng Ngãi nhiều biến động, có lẽ cần thêm những bức ảnh sống động về những cống hiến thầm lặng mà quyết liệt để bảo vệ ngư trường, bảo vệ biển đảo của quân và dân nơi đây.

Nhà văn Đỗ Kim Cuông, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam sau khi xem xong triển lãm đã nhận định: "Những tác phẩm này không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn có ý nghĩa giáo dục chính trị rất lớn. Rất mong bộ ảnh được giới thiệu ở nhiều nơi". 

Yên Nga