Đoạn kết của tỷ phú giàu nhất Iran

Hồ sơ - Ngày đăng : 06:57, 13/03/2016

(HNM) - Ngày 6-3, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Iran Gholamhossein Mohseni-Ejei thông báo, tỷ phú dầu mỏ nước này - Babak Zanjani - đã bị tuyên án tử hình trong một phiên tòa sơ thẩm vì tội tham nhũng.

Việc doanh nhân một thời từng được coi là "người hùng" giúp Iran bán được một lượng lớn dầu mỏ trong thời gian dài bị Liên hợp quốc (LHQ) cấm vận phải nhận bản án cao nhất đã gây ra không ít bất ngờ đối với dư luận quốc gia vùng Vịnh này.

Tỷ phú Babak Zanjani (giữa) tại một phiên xét xử.


Trong suốt 1 thập kỷ bị bao vây kinh tế dưới "triều đại" của Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, nếu không có doanh nhân B. Zanjani, ngân sách Iran sẽ khốn khó hơn rất nhiều vì dù có tìm cách bán được dầu mỏ thì cũng không có ngân hàng quốc tế nào đứng ra chuyển tiền cho Iran vì lệnh trừng phạt. Thời điểm đó, để tìm ra nhiều con đường giao dịch dầu mỏ cho Tehran, Zanjani đã lập nên một "đại công ty" thuộc loại đồ sộ nhất trong lịch sử Iran. Tập đoàn Sorinet tham gia tất cả mọi lĩnh vực then chốt, từ giao thông đến xây dựng, từ sở hữu các câu lạc bộ bóng đá đến buôn bán dầu, từ mỹ phẩm tới hàng không... Và dĩ nhiên, để có thể lưu thông dòng chảy tiền tệ cho "đại công ty" của mình, Sorinet cũng hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng cả trong và ngoài nước. Công việc của ông diễn ra khá thuận lợi trong suốt một thời gian dài, giúp khối tài sản của tỷ phú này không ngừng tăng lên và ước tính lên tới 14 tỷ USD. Ông không ngại ngần khi phô trương những tài sản như máy bay cá nhân, xe hơi hạng sang… Ông cũng thường xuyên xuất hiện trong các bức ảnh chụp cùng giới quan chức cấp cao của Iran. Trong các bài phỏng vấn trước đây, Zanjani thừa nhận đã sử dụng một mạng lưới công ty ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ và Malaysia để xuất khẩu hàng triệu thùng dầu cho Chính phủ Iran kể từ năm 2010. Chính vì vậy, tỷ phú sinh năm 1974 này từng nằm trong "danh sách đen" của Mỹ và Liên minh Châu Âu do giúp Iran lách các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào ngành dầu mỏ của nước Cộng hòa Hồi giáo.

Tuy nhiên, dường như chính điều đó đã góp phần đưa Zanjani đến kết cục ngày hôm nay. Vì ngay dưới thời cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, vị tỷ phú này đã bắt đầu bị để ý. Đến khi Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani đắc cử, ông đã lập tức yêu cầu Chính phủ mạnh tay với "tội phạm tài chính" trong 8 năm người tiền nhiệm cầm quyền, nhất là những nhân vật tìm cách trục lợi từ những biện pháp trừng phạt của quốc tế. Chỉ vài tháng sau khi ông H.Rouhani bước vào dinh Tổng thống, ngày 30-12-2013, tỷ phú Zanjani đã bị bắt với cáo buộc biển thủ và được đưa vào nhà tù Evin ở Tehran.

Trước khi bị bắt, Zanjani nói rằng, các lệnh trừng phạt quốc tế không cho phép ông chuyển số tiền 1,2 tỷ USD vẫn còn nợ Chính phủ. Tuy nhiên, trong phiên xét xử gần đây, các công tố viên nói rằng, ông này vẫn nợ Chính phủ Iran hơn 2,7 tỷ USD tiền bán dầu. Luật sư của Zanjani cho biết, phán quyết nhằm vào tỷ phú dầu mỏ này mang động cơ chính trị. Nhiều khả năng tỷ phú trẻ tuổi sẽ kháng cáo nhưng cơ hội để ông lật lại bản án rất mong manh.

Phương Quỳnh