Khuyến nông Hà Nội: Một năm nhiều khởi sắc

Nông nghiệp - Ngày đăng : 07:23, 16/01/2023

(HNM) - Trong bối cảnh giá vật tư nông nghiệp, chi phí sản xuất tăng cao, công tác khuyến nông của Hà Nội vẫn đạt được nhiều kết quả khởi sắc trên tất cả các mặt, từ xây dựng mô hình, xúc tiến thương mại, đến dự báo thị trường, hỗ trợ thông tin tuyên truyền... Qua đó đã góp phần vào sự tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Thủ đô.

Mô hình trồng rau hữu cơ, tiêu chuẩn VietGap của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai tại huyện Gia Lâm.

Những mô hình tiêu biểu

Năm 2022, nông dân các huyện Thanh Oai và Phúc Thọ đã mạnh dạn ứng dụng nhiều mô hình để sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và đạt được những kết quả khả quan. Đơn cử như với mô hình ứng dụng phân hữu cơ nano trong sản xuất giống lúa mới, nông dân đã giảm được 50% lượng phân bón vô cơ, tạo thuận lợi cho các vi sinh vật có lợi trong đất hoạt động, tăng hiệu lực hấp thụ chất dinh dưỡng của cây, từ đó tạo ra lúa gạo an toàn, chất lượng cao, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái, đồng thời nâng cao thu nhập. Vụ xuân năm 2022, năng suất lúa đạt 62,5-63,9 tạ/ha, hiệu quả kinh tế đạt 8-9,2 triệu đồng/ha; vụ mùa cho năng suất 57,8-58,3 tạ/ha, hiệu quả kinh tế đạt 14,6-15,5 triệu đồng/ha.

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, các mô hình mạ khay, cấy máy tiếp tục được triển khai ở các địa phương. Năm 2022, với quy mô hỗ trợ 65.000 khay mạ, cấy máy cho 260 ha lúa/2 vụ, chỉ tính riêng khâu gieo mạ khay, cấy máy đã giúp giảm chi phí cho người sản xuất so với gieo mạ, cấy tay truyền thống 3,5-7,6 triệu đồng/ha. Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quốc Oai Kiều Minh Khuê cho biết: Nhờ áp dụng mô hình mạ khay, cấy máy, nông dân trên địa bàn huyện Quốc Oai không bỏ ruộng hoang, sản xuất 2 vụ lúa hiệu quả và vẫn tham gia phát triển dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, từ đó gia tăng thu nhập...

Đáng chú ý phải kể tới mô hình cá - lúa ở các huyện Mỹ Đức, Thường Tín, Mê Linh, Thanh Oai, Quốc Oai với việc nuôi trồng kết hợp cá - lúa, khai thác tối đa hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích. Theo bà Nguyễn Thị Hường ở huyện Thanh Oai, mô hình này cho thấy mối quan hệ tương hỗ, chất thải của cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa; đồng thời tận dụng triệt để được nguồn thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa cho cá, tiêu diệt các sâu bọ hại lúa, góp phần giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất; đem lại nhiều lợi ích và năng suất lúa cao hơn. Cá sinh trưởng phát triển tốt, khi thu hoạch đạt trung bình trên 0,9kg/con, năng suất đạt 10 tấn/ha, cho lợi nhuận 80-90 triệu đồng/ha, cao hơn 4,6 lần so với cấy lúa truyền thống...

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai 19 mô hình tại 68 điểm, thu hút gần 2.000 hộ nông dân tham gia. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: Mỗi mô hình là sự cố gắng của đội ngũ cán bộ khuyến nông Hà Nội. Ngay cả giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội vẫn kết nối với người dân thông qua hình thức trực tuyến trên thiết bị điện thoại bằng Zalo nhóm, Zoom… để cung cấp thông tin sản xuất, giá cả thị trường, thời vụ; đồng thời hướng dẫn nông dân triển khai các mô hình sản xuất sao cho hiệu quả.

Bên cạnh việc xây dựng mô hình khuyến nông tiêu biểu, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cùng ngành Nông nghiệp Thủ đô tập trung thông tin dự báo thị trường, giá cả nông sản, giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chủ động trong gieo cấy, nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo các nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực; đồng thời nâng cao năng lực, bảo đảm an toàn thực phẩm tại vùng sản xuất. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, kết nối nông nghiệp Thủ đô…

Đánh giá cao những kết quả mà khuyến nông Hà Nội đạt được trong năm 2022, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Hoàng Văn Hồng cho rằng, các mô hình khuyến nông của Hà Nội cần bám sát chủ trương lớn của ngành và triển khai bài bản, hiệu quả. Người làm công tác khuyến nông cần phải hiểu rõ điều kiện sản xuất của từng khu vực, nắm bắt thực tiễn của địa phương, đưa quy trình vào từng mảnh ruộng, từng hộ nông dân, từng loại giống, từng thời vụ. Trong bối cảnh hiện nay, người làm công tác khuyến nông phải giúp nông dân có được tư duy công nghiệp, tư duy sản xuất lớn. Phải làm sao để người dân thấy được tác dụng, hiệu quả của cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Cũng theo ông Hoàng Văn Hồng, trong năm 2023, khuyến nông Hà Nội cần có nhiều hơn nữa mô hình sản xuất hữu cơ, mô hình ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số, các mô hình đạt chứng nhận OCOP; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giúp gia tăng giá trị nông sản, đạt được hiệu quả kinh tế cao; đồng thời đẩy mạnh việc liên kết với các đơn vị truyền thông nhằm lan tỏa thông tin tuyên truyền về công tác khuyến nông.

Bạch Thanh