Phạt nghiêm học sinh vi phạm quy định về giao thông là cần thiết
Bạn đọc - Ngày đăng : 08:46, 12/03/2016
Trong đó, quy định phạt ở mức "xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học 1 tuần" đối với HS tái phạm có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người đồng tình với chủ trương này, cho rằng việc áp dụng giải pháp cứng rắn đối với HS tái phạm là cần thiết, để làm gương cho những em khác. Nhưng, cũng có nhiều ý kiến phản đối, cho rằng mức phạt như vậy là quá nặng.
Là phụ huynh có con đang học phổ thông, tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương này của Sở GD-ĐT Hà Nội. Chắc hẳn trong phụ huynh chúng ta, không ai chưa từng trăn trở, lo lắng trước thực trạng ATGT hiện nay. Các phương tiện thông tin truyền thông dường như ngày nào cũng đề cập đến tình trạng vi phạm các quy định về giao thông với chiều hướng ngày càng phức tạp. Số liệu của Ủy ban ATGT quốc gia cho thấy mỗi ngày, trên phạm vi cả nước có tới hơn 20 người chết vì tai nạn giao thông, chưa tính số người bị thương tật... Rõ ràng, tình trạng vi phạm các quy định về giao thông đang ở báo động đỏ, tai nạn giao thông không chừa bất cứ ai nếu chúng ta không tự bảo vệ mình.
Vậy mỗi người phải bảo vệ mình bằng cách nào? Trước hết, mỗi người, trong đó có HS, cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về giao thông. HS cũng là đối tượng cần được phổ biến quy định, giáo dục về ATGT trước nhất, để sau này khi rời ghế nhà trường, các em không chỉ là những người có ý thức chấp hành nghiêm luật giao thông, mà còn là những công dân nghiêm túc tuân thủ các quy định của Nhà nước nói chung.
Vài năm gần đây, việc giáo dục pháp luật về ATGT đã được đưa vào trường học với nhiều hình thức phù hợp với độ tuổi, từ mầm non đến phổ thông, đại học. Ở cấp phổ thông, đầu mỗi năm học, các nhà trường đều tổ chức cho phụ huynh ký cam kết đội mũ bảo hiểm cho con, không giao xe máy cho con đi khi chưa đủ điều kiện...
Thực tế cho thấy, sự chuyển biến về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của HS vẫn chưa thực sự bền vững. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chế tài chưa đủ mạnh. Hầu hết trường hợp HS vi phạm, bị lực lượng công an thông báo về trường nhưng chỉ bị nhắc nhở, phê bình; một số trường phạt hạ hạnh kiểm, nhưng cũng có nơi lờ đi. Vì vậy, việc ban hành quy định xử phạt HS là cần thiết, giúp các trường có căn cứ xử phạt nghiêm túc, đồng bộ, tránh tình trạng nơi làm lỏng, nơi làm chặt. Trước mức xử phạt nghiêm khắc, HS có ý thức rõ ràng hơn về việc chấp hành quy định.
Bởi vậy, tôi cho rằng mức phạt "buộc thôi học" đối với những HS "đã được giáo dục vẫn tái phạm nhiều lần" (theo quy định của Sở GD-ĐT) là cần thiết. Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng quy định này có thể khiến những HS "có cá tính" lợi dụng để được nghỉ học, bởi quy định đã nêu rất rõ là "buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe" chứ không phải là cho nghỉ học để các em thích làm gì thì làm. Tuy nhiên, để biện pháp này thực sự hiệu quả, tiến tới hạn chế tối đa tình trạng HS tái phạm nhiều lần, việc thực hiện quy định phải thật nghiêm khắc, quyết liệt và đồng bộ ở các nhà trường. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ, thực chất hơn giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý, giáo dục HS.
Hãy để các HS cố tình vi phạm chịu đúng mức phạt theo quy định, bởi nếu chỉ "giơ cao đánh khẽ" thì dù ngành Giáo dục có đề ra hình phạt nghiêm khắc hơn cũng không thể tạo hiệu quả thực tế. Trong trường hợp đó, sự chuyển biến tích cực về ý thức chấp hành quy định giao thông, tiến tới xây dựng văn hóa giao thông như mục tiêu mà ngành Giáo dục đề ra cho giai đoạn từ nay tới năm 2020 sẽ chỉ là mong muốn mà thôi.