Yêu cầu và đòi hỏi từ thực tế cuộc sống
Nghị quyết và Cuộc sống - Ngày đăng : 08:27, 12/03/2016
Nhận thức và thực tiễn
Nói tới lãnh đạo của Đảng thì điều cốt yếu là nói tới nội dung lãnh đạo và phương thức lãnh đạo. Nội dung lãnh đạo là các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ về các vấn đề phát triển của đất nước. Còn phương thức lãnh đạo là tổng thể các phương pháp, hình thức, biện pháp, quy trình, lề lối, tác phong công tác mà Đảng tiến hành, tác động vào đối tượng nhằm nhận thức đúng đắn, hình thành niềm tin, chuyển hóa thành các phong trào cách mạng, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ thực tiễn và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Nói cách khác phương thức lãnh đạo là cách thức hiện thực hóa các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Vì vậy, xác định phương thức lãnh đạo đúng đắn, phù hợp trở thành công việc quan trọng trong hoạt động của Đảng.
Trong cách mạng dân tộc dân chủ, Bác Hồ và Đảng ta đã nhận thức sâu sắc sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân tộc và tổ chức thực hiện sáng tạo phát huy sức mạnh của nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những cuộc kháng chiến vĩ đại, thu non sông về một mối, thống nhất đất nước, đưa cả nước quá độ lên CNXH.
Phát huy vai trò, chức năng giám sát, phản biện của MTTQ, các tổ chức thành viên góp phần tăng quyền làm chủ của nhân dân và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân. Ảnh: Bá Hoạt |
Bước sang cách mạng XHCN, vấn đề không còn đơn giản như vậy. Một trong những nguyên nhân đưa đến hạn chế, yếu kém của Đảng trong lãnh đạo xây dựng CNXH trước đổi mới là phương thức lãnh đạo có nhiều điểm chưa phù hợp. Chính vì vậy, Đại hội VI, bước ngoặt vĩ đại đánh dấu sự đổi mới toàn diện đất nước, vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đã được đặt ra, mặc dù lúc đó, văn kiện Đại hội chưa dùng khái niệm phương thức lãnh đạo. Đại hội VI quan niệm: Đảng cần đổi mới phong cách làm việc, tác phong sâu sát thực tế, nắm bắt thông tin nhanh chóng và chính xác, có chương trình kiểm tra; cán bộ phải đi sâu, đi sát cơ sở; tăng cường sự lãnh đạo tập thể, mở rộng sinh hoạt dân chủ; nghiên cứu những kinh nghiệm sáng tạo của cơ sở, lắng nghe ý kiến của quần chúng; các chủ trương quan trọng đều phải được bàn bạc và quyết định tập thể, người lãnh đạo phải biết nghe ý kiến trái với mình. Ở Đại hội VII yêu cầu: Cần có quy định cụ thể về mối quan hệ và lề lối làm việc giữa Đảng với Nhà nước và các đoàn thể nhân dân ở các cấp trước hết là ở Trung ương. Cương lĩnh 1991 khẳng định: Đảng lãnh đạo xã hội bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách kiểm tra và bằng hành động gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan chính quyền và các đoàn thể. Đảng không làm thay các công việc của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.
Qua các kỳ Đại hội VIII, IX, X, XI, XII nhận thức của Đảng về phương thức lãnh đạo của Đảng và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền ngày càng được hoàn thiện. Cương lĩnh xây dựng đất nước quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển 2011) một lần nữa khẳng định: Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn… Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức Đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu…
Đánh giá kết quả thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ và các đoàn thể nhân dân, văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân có đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động, phát huy tốt hơn vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, mở rộng tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên, tổ chức nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động có hiệu quả thiết thực…; cùng Nhà nước chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội, góp phần vào những thành tựu của đất nước.
Tuy nhiên, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ và các đoàn thể nhân dân có một số nội dung còn chưa rõ, chưa đổi mới. Chức năng, nhiệm vụ của Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng có điểm chưa được xác định rõ ràng, cụ thể nên hoạt động còn lúng túng. Phong cách làm việc đổi mới còn chậm. Văn kiện Đại hội XII chỉ ra: Hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân các cấp có lúc, có nơi chưa sâu sát các tầng lớp nhân dân và cơ sở, còn có biểu hiện hành chính hóa, chưa thiết thực, hiệu quả. Chậm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa thật sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến để giải quyết kịp thời, có hiệu quả những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thể chế hóa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về MTTQ và các đoàn thể nhân dân còn thiếu và chưa đồng bộ.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo
Trước yêu cầu của tình hình mới, để tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ, khơi nguồn sáng tạo trong mọi tầng lớp nhân dân, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, cần thiết phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với MTTQ và các đoàn thể nhân dân.
Trước hết, các cấp ủy đảng phải nâng cao nhận thức, nắm vững vai trò, vị trí tính chất công việc của MTTQ và các đoàn thể nhân dân để có phương thức lãnh đạo phù hợp.
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, các giai cấp, giai tầng… gắn với các lợi ích là vô cùng phong phú, đa dạng. Các cấp ủy đảng phải nắm vững sự vận động, phát triển từ thực trạng này, mới có khả năng dự báo khoa học, xác định được nội dung và phương thức lãnh đạo phù hợp. Sự lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định nhất trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân và phát huy dân chủ XHCN thông qua hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân.
Đối với MTTQ, Đảng vừa là người lãnh đạo vừa là thành viên của Mặt trận. Cần tiếp tục nghiên cứu để làm rõ hơn và thực hiện tốt trách nhiệm của Đảng với tư cách là thành viên của Mặt trận. Lâu nay Đảng với tư cách là người lãnh đạo thì đã rõ, song với tư cách là thành viên của Mặt trận thì chưa thật rõ.
Hai là, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ đã được Nghị quyết 8b (khóa VI) và sau đó là các Nghị quyết của Đảng khẳng định, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Nhưng cơ chế này chậm được lãnh đạo để cụ thể hóa, nhất là phần nhân dân làm chủ mà người đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân là MTTQ và các đoàn thể nhân dân. Sắp tới cần có sự lãnh đạo quyết liệt để cụ thể hóa cơ chế này, sớm trở thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.
Ba là, phát huy vai trò, chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức thành viên và nhân dân. Thông qua MTTQ và các tổ chức thành viên, nhân dân thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến lợi ích của nhân dân, nhất là các chủ trương, chính sách thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, liên quan đến dân trí, dân an, dân sinh…, đại diện cấp ủy đảng tham gia lãnh đạo Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân cần trình bày để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân được biết, được bàn bạc, dân chủ được tham gia đóng góp ý kiến ngay từ khi xây dựng các chủ trương, chính sách.
Bốn là, Đảng nhất quán và tăng cường lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể nhân dân bằng phương pháp dân chủ, tôn trọng nguyên tắc làm việc của MTTQ. Quan hệ giữa Đảng và Mặt trận vừa là quan hệ lãnh đạo và đối tượng lãnh đạo, đồng thời là quan hệ bình đẳng, hiệp thương, đối thoại. Bằng phương pháp dân chủ, Đảng tạo điều kiện cho Mặt trận thực hiện trách nhiệm của mình bằng hai phương thức: Với tư cách là Ủy ban MTTQ thực hiện theo nguyên tắc hiệp thương, dân chủ, hợp tác bình đẳng; với tư cách là Đảng đoàn thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng.
Năm là, nâng cao năng lực lãnh đạo, sự gương mẫu của đảng viên sinh hoạt trong các tổ chức Đảng ở Mặt trận và các đoàn thể nhân dân; tăng cường công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận tâm huyết; tăng cường công tác tư tưởng; lãnh đạo Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động sâu sát cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp đoàn viên, hội viên, khắc phục tình trạng “hành chính hóa”, bệnh hình thức, bệnh thành tích, hoạt động một cách thực chất, thiết thực hiệu quả…
Vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị và xã hội, trong đó có MTTQ và các đoàn thể nhân dân, luôn luôn là một trong những nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu để nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng. Trước mắt cũng như lâu dài, phải thường xuyên lắng nghe ý kiến, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, bám sát thực tiễn đổi mới, khái quát thực tiễn, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo phù hợp với các vấn đề đặt ra trong xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.