Trên hết là lợi ích nhân dân
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:24, 12/03/2016
Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế hiện nay, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với hệ thống chính trị và xã hội là vấn đề có ý nghĩa lý luận, thực tiễn cấp thiết. Có thể thấy, công cuộc đổi mới đã trải qua chặng đường 30 năm, gắn với sáu kỳ Đại hội Đảng và đất nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về mọi mặt. Đồng thời, 30 năm đổi mới cũng đánh dấu sự trưởng thành của Đảng, Nhà nước trên mọi mặt trận. Đổi mới có thể đánh giá là những nỗ lực mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để và là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Thực tế kết quả đạt được trong 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới là vô cùng to lớn, song cũng có thể thấy rằng những bước tiến trong tư duy lý luận và những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị vẫn đòi hỏi phải có những đột phá mang tính điểm nút. Những vấn đề đặt ra cần giải quyết thực chất hơn, làm cho dân chủ thực sự là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới.
Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, với bộ máy hành chính là tất yếu khách quan. Phương thức lãnh đạo của Đảng, Nhà nước được xác định và xây dựng trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện thực tế cách mạng. Song, thực tiễn cho thấy những năm qua chúng ta chưa làm rõ một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, nền kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu. Ở một số nơi, tăng trưởng kinh tế không đi kèm với phát triển văn hóa, xã hội và môi trường. Đây chính là vấn đề mang tính cốt lõi trong định hướng vai trò lãnh đạo của Đảng, cũng như mỗi cá nhân trong bộ máy công quyền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, "quyền hành là ở nơi dân". Làm dân không chỉ giúp người lãnh đạo đưa ra quyết sách đúng đắn hơn, hiệu quả hơn, mà còn là cách tích lũy thêm kinh nghiệm công tác. Ngược lại, làm "công bộc" cũng không thể không suy nghĩ trước những vấn đề bức xúc trong xã hội, trong nhân dân.
Xã hội ngày càng phát triển, đời sống đang ngày càng nâng cao, tất yếu đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của mỗi người cán bộ, đảng viên cũng phải nâng lên. Khách quan nhìn nhận, một bộ phận trong đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay còn những hạn chế về trình độ, kỹ năng quản lý, cùng với đó là sự chậm đổi mới tư duy và phong cách làm việc để thích ứng với yêu cầu của tình hình mới. Chính vì vậy, mỗi "công bộc" cần nhận thấy và ý thức rõ vai trò và trách nhiệm cá nhân của mình, hành động với tư duy "cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, thấy hại cho dân thì hết sức tránh". Từ đó sẽ xác định được những nội dung, phương thức quản lý, lãnh đạo phù hợp đồng thời phát huy vai trò làm chủ của nhân dân thông qua chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đây chính là nền tảng để cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trở thành hiện thực cuộc sống và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Như vậy "Làm dân" hay "Làm quan" đều có thể cống hiến, đóng góp trí tuệ và công sức của mình cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.