Người tài sẽ có đất "dụng võ"!
Đời sống - Ngày đăng : 07:22, 11/03/2016
TP Hồ Chí Minh quyết tâm đi đầu trong tinh giản biên chế. |
Tăng số lượng cắt giảm theo năm
Theo đề án và kế hoạch thực hiện tinh giản biên chế của TP Hồ Chí Minh, trong 7 năm (2015-2021) thành phố sẽ giảm 13.927 biên chế thuộc khối cơ quan hành chính nhà nước và khối sự nghiệp trên địa bàn; trong đó, khối hành chính là 1.311 người và khối sự nghiệp 12.616 người.
Về vấn đề trên, ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đặt mục tiêu cắt giảm biên chế theo từng năm, tùy vào điều kiện cụ thể chứ không còn là kế hoạch chung cho 7 năm. Do bước đầu tinh giản sẽ gặp khó khăn nên số lượng cán bộ, công chức đưa vào diện cắt giảm sẽ tăng dần theo từng năm.
Cụ thể, trong năm 2016, khối hành chính nhà nước đặt mục tiêu cắt giảm 100 người và đến năm 2017 sẽ cắt giảm thêm 170 người; còn đối với khối sự nghiệp, số lượng cắt giảm năm 2016 là 610 người, năm 2017 tăng lên 1.000 người. Cũng theo Sở Nội vụ, những năm đầu của lộ trình số lượng người cắt giảm chưa nhiều, từ năm 2018 đến năm 2021 sẽ chính thức được cắt giảm đồng loạt. "Danh sách cán bộ, công chức bị cắt giảm từng năm được công bố công khai về tên tuổi, chức vụ, đơn vị công tác rõ ràng", ông Lê Hoài Trung khẳng định.
Hiện UBND TP Hồ Chí Minh đang đôn đốc rà soát, kiện toàn lại cơ cấu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu của một đô thị đặc biệt, đông dân nhất nước. Theo đề án, giáo dục - đào tạo và y tế là những lĩnh vực mà thành phố quan tâm đặc biệt, ưu tiên cắt giảm. Từ năm 2017, thành phố sẽ thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để các cơ quan hành chính và khối sự nghiệp có thể tự chủ để thực hiện lộ trình cắt giảm của đơn vị mình.
Muốn giảm nữa nhưng...
Với lộ trình trên, TP Hồ Chí Minh được xem là địa phương có số lượng biên chế bị cắt giảm nhiều nhất cả nước. Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho rằng, bộ máy hành chính và sự nghiệp của đô thị đặc biệt này hiện quá cồng kềnh, nặng nề, không còn phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Chính vì vậy, việc cắt giảm biên chế là rất cần thiết và phải được tiến hành rốt ráo.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay là bộ tiêu chí cắt giảm biên chế được xây dựng theo hướng nào để bảo đảm khách quan, công bằng. Qua đó, một mặt tận dụng những người có năng lực, chuyên môn cao; mặt khác loại bỏ những người thiếu năng lực, không còn phù hợp với công việc. Đồng thời, bảo đảm một bộ máy hành chính, sự nghiệp tinh gọn nhưng tăng vai trò, chức năng, trách nhiệm. Thực tế, có nhiều cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, chuyên môn cao lại lọt vào danh sách bị cắt giảm hoặc tự nguyện xin nghỉ bởi tâm lý "sợ" bị cắt giảm. Trong khi đó, cũng có những cán bộ, công chức, viên chức chuyển sang các đơn vị kinh tế tư nhân hoặc các đơn vị khác có chế độ, chính sách, vị trí tốt hơn.
Là người tham gia soạn thảo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Hoài Trung cho biết, thực tế thành phố đã đề nghị cắt giảm nhiều hơn số lượng trên nhưng Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính không duyệt bởi ngân sách cho đề án tinh giản biên chế do Trung ương rót xuống và có giới hạn nhất định. Cũng theo ông Trung, việc tinh giản biên chế gắn liền với cơ cấu lại nguồn lực, nâng chất lượng đội ngũ công chức, viên chức.
Trước những lo ngại về việc tinh giản biên chế sẽ "bỏ sót" người tài hoặc nể nang dẫn đến thiếu công bằng, ông Lê Hoài Trung cho biết, việc tinh giản được thực hiện từ cơ sở lên, qua rất nhiều quy trình để xem xét và có cả hội đồng giám sát. "Không có chuyện những người không đạt chuẩn được giữ lại còn những người đạt chuẩn thì bị cắt giảm", ông Lê Hoài Trung khẳng định.