Ký hợp đồng EPC cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:09, 11/03/2016

(HNMO) - Ngày 10-3, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký kết hợp đồng xây dựng Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Vĩnh Tân 4 mở rộng, theo hình thức EPC.


Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng có tổng mức đầu tư khoảng 1,104 tỷ USD (tương đương 24 nghìn tỷ đồng) do EVN làm chủ đầu tư, Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO 3) làm đơn vị quản lý dự án. Dự án NM Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng có công suất 600 MW gồm 1 tổ máy nằm trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 100km, cách thành phố Hồ Chí Minh 250km về phía Nam, và cách tỉnh Ninh Thuận 15km về phía Bắc. Đây là Trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước khi xây dựng xong sẽ đạt công suất 6.200 MW, đáp ứng điện năng trực tiếp cho khu vực Nam Trung Bộ và các tỉnh thành phía Nam.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng tận dụng được cơ sở hạ tầng sẵn có như mặt bằng, cảng, đấu nối với hệ thống điện quốc gia, giao thông,.. và đặc biệt là các hệ thống dùng chung với dự án nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đang xây dựng. Nhà máy gồm 1 tổ máy với cấu hình 1 lò + 1 Tua bin + 1 máy phát, Công nghệ sử dụng với thông số hơi siêu tới hạn đốt than nhập khẩu, là loại công nghệ đã được áp dụng nhiều trên thế giới. Nhà máy được áp dụng công nghệ hiện đại, công suất, hiệu suất cao, chi phí hợp lý và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn của Việt Nam. Theo kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành cuối năm 2019, cung cấp cho hệ thống điện khoảng 3,6 tỷ kWh/năm. Dự án cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ dung vào tổng sơ đồ quy hoạch điện 7 và danh mục các công trình đầu tư cấp bách giai đoạn 2013-2020.

Nhà thầu được lựa chọn là tổ hợp Nhà thầu Doosan - Mitshubishi - Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2 - Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Dương, là tổ hợp nhà thầu có kinh nghiệm trong xây dựng nhà máy nhiệt điện chạy than.

Sau khi hợp đồng EPC được ký kết, dự kiến khởi công Nhà máy vào Quý I/2016 và sẽ được đưa vào vận hành sau 45 tháng lắp đặt, xây dựng (dự kiến quý 4/2019) . Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tăng cường năng lực cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Nam Trung bộ, và các tỉnh thành phía Nam, qua đó góp phần giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt, giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam, giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho vận hành hệ thống điện. 

Thanh Mai