Niềm vui lấp lánh
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:41, 11/03/2016
Cuộc sống thường ngày ở làng phong Hợp Thành (Đông Yên, Quốc Oai). |
Tuy nhiên, giờ mọi chuyện đã khác: Những người không may bị bệnh đang rộng mở nụ cười trên môi. Vượt lên số phận, vượt lên hoàn cảnh, họ vui sống bằng chính sự đùm bọc, che chở lẫn nhau của những người cùng cảnh ngộ, sự hỗ trợ của cộng đồng.
"Còn mong gì thêm!"
Từ mấy ngày nay, xóm nhỏ rộn ràng với lễ cưới của cậu con trai thứ bà Hoàng Thị Ích (Khu điều trị phong xã Đông Yên, huyện Quốc Oai). Dù gia đình bà chưa chính thức "có lời" với xóm giềng song các hộ dân sinh sống tại khu đồi gò khá tách biệt này đều đã chuẩn bị tâm thế mỗi người "một tay một chân" để hôn lễ diễn ra thật đầm ấm, xôm tụ.
Giữa ngổn ngang bàn ghế, phông màn, bà Ích hồ hởi khoe việc chuẩn bị đám cưới cho cậu con trai là tân cử nhân Đại học Công nghệ thông tin: "Gà nhà tôi nuôi được hơn chục con từ trong năm rồi. Rau củ cũng trồng đủ mà nếu thiếu thì đã có hàng xóm giúp. Ở đây, chỉ cần hỏi một tiếng là ổn hết! Bác xem, thằng cháu chụp ảnh cưới có giống diễn viên Hàn Quốc không? Vợ cháu người Hải Dương, cũng đại học ra nhé. Ờ, cưới xong các cháu về trọ Hà Nội, xin việc, đi làm. Vất vả chứ, nhưng lại mừng con cái có đôi…".
Cái sự "mừng con cái có đôi" của bà Ích không hẳn giống với bất kỳ bậc làm cha, làm mẹ khác. Mắc bệnh cách đây hàng chục năm, dù đã được chữa khỏi nhưng những mặc cảm cộng thêm thái độ kỳ thị của người đời khiến bà "tắt" hẳn ý định về lại quê nhà Mỹ Đức. Ngay cả khi đã thành thân với ông Nguyễn Văn Đon (cũng là bệnh nhân phong), có cuộc sống đạm bạc nhưng đầm ấm tại xóm Hợp Thành (xóm do bệnh nhân phong lập nên bên cạnh khu điều trị), bà Ích vẫn chưa lúc nào thôi đau đáu về tương lai những đứa trẻ vợ chồng bà sinh thành.
Rơm rớm nước mắt, bà thổ lộ: "Cả đời những lo cùng lo. Lo con có bệnh không? Hòa nhập với trường lớp thế nào? Dựng vợ, gả chồng ra sao khi cha mẹ thế này? Nhờ cán bộ và bà con nơi đây đùm bọc mà các cháu lớn lên khỏe mạnh, vững vàng, đến lúc thành thân lại gặp được người tốt mà gia đình người ta cũng không nặng nề chuyện gia cảnh… Đời tôi, đến giờ, còn mong gì thêm!".
Rời nhà bà Ích một quãng xa, chúng tôi gặp anh Bùi Văn Chiến (quê làng chài Hậu Lộc, Thanh Hóa). Cao lớn và rắn rỏi, khó ai có thể nhận ra anh là "người ở làng phong" nếu không để ý những vết loang mờ trên cánh tay anh. Cười rất tươi, anh cất tiếng chào bác sĩ Trần Đăng Ninh (Khu điều trị phong xã Đông Yên): "Bác đưa khách đến thăm làng à! Vào nhà cháu chơi đã!".
Và không chờ câu trả lời, anh xăm xắn dẫn đường. Vào nhà, anh hối vợ đun nước, pha trà rồi vừa luôn tay tráng cốc, vừa kể chuyện. Câu chuyện không đầu, không cuối, sự kiện này vênh với sự kiện kia chan chát, mà nghe thật vui tai: "Nhà em mấy tháng trước dỡ sắn, cũng được lắm. Ngô thì cho thu từ vụ trước rồi. Trời thương thì sang năm sẽ có trái cây ăn và cả bán đi nữa. Nhà em còn nuôi cả lợn, gà, chó, vịt… Em còn được các bác cho làm bảo vệ ở khu điều trị với mức lương 2 triệu đồng/tháng, chưa kể ở đâu cần thuê người em cũng nhận, miễn sao lo được cho vợ con. Vợ em sắp sinh rồi…".
Được nhận vào Khu điều trị phong từ năm 2008, nhưng nhiều năm trước đó anh Chiến đã sống trong sự mặc cảm, dằn vặt của bệnh tật, kể từ ngày bàng hoàng phát hiện tay mình chạm nước sôi mà không thấy bỏng. Từ một thanh niên khỏe mạnh, Chiến bỗng thấy cánh cửa cuộc đời như vĩnh viễn đóng sập trước mắt khi bước chân vào khu điều trị. Đau đớn, thất vọng, có lúc anh đã nghĩ tới cái chết song với sự chăm sóc, chạy chữa tận tình của các y, bác sĩ và đặc biệt là sự đồng cảm đón nhận của những người bệnh khác, anh vững tâm hơn để vượt qua bệnh tật, phục hồi sức khỏe. Kết hôn với cô thôn nữ Lê Thị Mái, người đã không chê mà quyết lấy anh chỉ sau một tháng quen biết, Chiến thêm tin yêu vào cuộc sống và coi đây như quê hương thứ hai của mình.
Chuyện của một người - chuyện của nhiều người
Đó là câu chuyện của ngày hôm qua, còn hiện nay gia đình anh Chiến đã có một mái ấm nhỏ nằm dưới chân đồi với ba bề bốn bên là màu xanh bạt ngàn của sắn, ngô cùng nhiều loại cây ăn quả khác. Hạnh phúc mới giúp anh có quyết tâm hơn trong việc dồn sức vỡ đất đồi, bắt mấy sào đất khô cháy phải cho trái ngọt. Giống với vợ chồng anh, nhiều hộ gia đình khác như ông Vân, bà Khánh; anh Quang, chị Thu; anh Công, chị Lan… cũng đang nỗ lực từng ngày vun vén cho tổ ấm nhỏ.
Được biết, khu điều trị hiện có khoảng 80 bệnh nhân, trung bình mỗi người được hưởng mức trợ cấp 450 nghìn đồng/tháng cộng thêm 20kg gạo, chưa kể mỗi người còn được các tổ chức từ thiện ủng hộ 600 nghìn đồng từ nhiều năm nay. Khu điều trị bệnh phong đã có điện thắp sáng, nước máy, ti vi trang bị theo cụm gia đình. Bệnh nhân phong có phòng sinh hoạt văn hóa, hội đồng bệnh nhân (điều mà trước đây họ chẳng bao giờ dám nghĩ tới)…
Để giúp bệnh nhân vượt qua mặc cảm, vươn lên xây dựng cuộc sống, cán bộ khu điều trị đã khuyến khích các hộ mượn đất đồi thuộc quản lý của bệnh viện để trồng trọt, sản xuất, lập nhà, dựng xóm. Nhờ vậy, hơn 25ha đất đồi đã được phủ xanh. Bác sĩ Trần Đăng Ninh tiết lộ về những bệnh nhân của mình: "Họ là những người đi khỏi nhà từ nhỏ, phải sống nhờ vào trợ cấp của Nhà nước, sự chăm lo của cán bộ y tế, không có nhiều cơ hội giao lưu với xã hội, nên hầu hết đều rất thuần tính, sống lương thiện, tình cảm. Nhiều người coi bác sĩ là người nhà, bệnh nhân khác là anh em nên không nỡ rời đi. Số ít vì còn mặc cảm, không muốn về quê sinh sống nữa".
Việc xóa bỏ lớp học tình thương, đưa trẻ làng phong tham gia các lớp học bình thường cũng là một cố gắng lớn của khu điều trị nhằm làm vợi đi những mặc cảm cho con trẻ. Hiện nay, ở làng có hơn 10 cháu nhỏ theo học các lớp từ mẫu giáo đến THPT. Nhiều con em khác ở "làng phong" đã tốt nghiệp đại học, trở thành giáo viên, y tá… Những rào cản vô hình trong lòng họ đã dần phai nhạt nhờ được thực sự "sống trong xã hội". Nếu như trước đây, hạnh phúc lứa đôi chỉ quanh quẩn trong phạm vi làng, chuyện mặc áo cưới, chụp hình, tổ chức văn nghệ… là điều không tưởng thì nay không riêng gì con ông bà Don, Ích hay vợ chồng anh Chiến… mà nhiều cặp vợ chồng khác cũng đã dựng vợ, gả chồng cho con cái mình với "người ngoài" như vợ chồng anh Ngô Văn Quyết, ông bà Nguyễn Thị Lan...
Giờ, tất cả bệnh nhân phong nơi đây đã được chữa khỏi song di chứng để lại vẫn khiến nhiều người trong số họ chịu đau đớn, ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt hằng ngày. Vượt qua định mệnh khắc nghiệt, những cư dân nơi đây đang tự vươn lên bằng chính nghị lực của mình để có được cuộc sống ổn định hơn cũng như xóa đi rào cản với xã hội. Một câu chuyện không biết nên buồn hay vui về khu làng đặc biệt này, do bác sĩ Ninh kể: "Dù nằm lọt thỏm giữa điểm tiếp giáp của hai huyện (Lương Sơn, Hòa Bình và Quốc Oai, Hà Nội) nhưng trước đây chẳng bao giờ xảy ra trộm cắp, chắc sợ bệnh phong. Mấy năm nay, đã có người kêu mất gà, mất vịt. Vậy là đến trộm cũng không còn sợ bệnh nhân phong nữa rồi".
Hiện nay, Khu điều trị bệnh phong có 28 hộ gia đình. Những cặp vợ chồng có sức khỏe bảo đảm đều đã xin mượn một phần đất đồi để "ra riêng". Sống ở lưng chừng đồi gò với nắng và gió, họ như mạnh khỏe, vững vàng hơn. Gương mặt dẫu sạm đen vì nắng vẫn không che nổi ánh cười tự tin, niềm vui lấp lánh trong mắt mỗi người.