Dân chủ là mục tiêu và động lực của công cuộc đổi mới (tiếp theo và hết)

Chính trị - Ngày đăng : 06:34, 11/03/2016

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong những năm đổi mới, Đảng ta đã đạt được những bước tiến mới trong nhận thức lý luận dân chủ, trong thực tiễn xây dựng nền dân chủ.


Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong những năm đổi mới, Đảng ta đã đạt được những bước tiến mới trong nhận thức lý luận dân chủ, trong thực tiễn xây dựng nền dân chủ. Cụ thể:

+ Xác định dân chủ trong hệ mục tiêu của đổi mới: "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" (từ Đại hội IX, năm 2001).

+ Đặt mục tiêu dân chủ vào vị trí hàng đầu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" (Đại hội XI, năm 2011).

+ Đến Đại hội XII (2016), trong chủ đề đại hội đã nhấn mạnh "xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa". Trong Cương lĩnh của Đảng còn nhấn mạnh "Xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh".

+ Chú trọng dân chủ ở cơ sở. Năm 1998, Đảng ta có Nghị quyết của Bộ Chính trị (khóa VIII): "Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở". Quy chế đó, qua thực tiễn đã có những bổ sung quan trọng, nhấn mạnh vai trò tự quản trong cộng đồng dân cư, chú trọng việc thụ hưởng lợi ích của người dân, mở rộng dân chủ trực tiếp và nâng cao chất lượng dân chủ đại diện (dân hưởng và dân quyết). Năm 2002, trong Hội nghị Trung ương 5, khóa IX, lần đầu tiên trong lịch sử Đảng cầm quyền, Đảng ta đã ra một nghị quyết chuyên đề về hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn, gọi chung là cấp xã. Năm 2007, Quy chế dân chủ cơ sở được nâng lên thành "Pháp lệnh dân chủ cơ sở" (theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII), tăng cường giá trị pháp lý của Quy chế, có giá trị như một đạo luật về dân chủ. Thế giới rất quan tâm tới bước tiến này trong tư duy lý luận dân chủ của Việt Nam.

+ Đặc biệt, bản Hiến pháp năm 2013, đã gắn liền dân chủ với nhân quyền và dân quyền. Hiến pháp đã thể chế hóa, đã hiến định rõ ràng với một chương riêng, có dung lượng lớn về quyền và nghĩa vụ của công dân. Hơn nữa, trong bản Hiến pháp này, địa vị pháp lý của Đảng lãnh đạo và cầm quyền được thể chế hóa và hiến định rõ ràng, đầy đủ nhất (Điều 4, các khoản 1, 2, 3), trong đó nhấn mạnh: Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân và xã hội về những quyết định của mình. Tinh thần hợp hiến, hợp pháp, chính danh, chính đáng của Đảng được minh định rõ ràng, đầy đủ nhất. Đó cũng là tinh thần bảo hiến (bảo vệ Hiến pháp) và chống vi hiến (vi phạm Hiến pháp) mà Đảng có trách nhiệm nêu gương. Điều đó cho thấy, dân chủ gắn chặt với pháp quyền.

+ Một vấn đề rất quan trọng và cũng rất thời sự là để đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế phải đi sâu cải cách thể chế, tăng cường kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh hoạt động và chất lượng giám sát, tư vấn, phản biện xã hội đối với Nhà nước của mặt trận, của các đoàn thể và của nhân dân. Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và các thiết chế chính trị - xã hội của mình bằng các quy chế và cơ chế rõ ràng.

+ Đẩy mạnh thực hành dân chủ, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân ở cơ sở, cải cách hành chính đi liền với cải cách tư pháp, đề cao sự minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình, nhằm phát huy sức mạnh dân chủ để chống quan liêu, giảm thiểu và đẩy lùi tham nhũng. Đây vừa là điểm nhấn trong lý luận dân chủ vừa là tác dụng của thực tiễn dân chủ (thực thi dân chủ, thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội).

Nhờ có dân chủ mà niềm tin của dân với Đảng, với chế độ được tăng cường củng cố rõ rệt. Sự quan tâm của nhân dân tới những công việc quan trọng của đất nước, tới vận mệnh của Đảng, của dân tộc được thể hiện qua việc nhân dân tham gia với tất cả trách nhiệm và tâm huyết, đóng góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp và dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XII với số lượng lớn, quy mô rộng khắp, thu hút trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân… cho ta niềm tin vào sức mạnh tổng hợp của Ý Đảng - Lòng Dân và Phép Nước. Đại hội XII thành công trên cả hai phương diện Văn kiện và Nhân sự là nhờ có dân chủ, là thành công do chính dân chủ đem lại, làm Đảng mạnh lên và dân tin tưởng.

Dân chủ là nguồn lực to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ảnh: Khánh Huy


Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế

Bên cạnh những kết quả và thành tựu nổi bật như đã nêu, trong thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ của người dân, chúng ta cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khiếm khuyết cần phải nỗ lực vượt qua. Cụ thể là:

- Cải cách hành chính với khâu đột phá về cải cách thủ tục hành chính, tiến hành từ nhiều năm nay nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng nền hành chính công minh bạch, thông thoáng để phục vụ người dân và các doanh nghiệp. Cải cách tư pháp cũng vậy, vẫn còn nhiều yếu kém trong hoạt động xét xử, tố tụng. Rào cản về bộ máy cồng kềnh, tầng nấc, bệnh giấy tờ - hành chính - quan liêu còn nặng. Kỷ luật công vụ và đạo đức công chức trong bộ máy công quyền chưa được chú trọng đẩy mạnh thường xuyên và rộng khắp. Tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức còn thấp, chế độ trách nhiệm không rõ ràng, tính hình thức trong tiếp dân, trong xử lý công việc chậm được khắc phục. Thiếu một hệ thống chế tài nghiêm ngặt nên tính uy nghiêm của luật pháp, kỷ cương trật tự chưa được đề cao, cả trong công chức và trong dân.

- Nhận thức về dân chủ và hiểu biết về luật pháp trong nhân dân và xã hội còn thấp, tâm lý "lệ làng cao hơn phép nước", tính cục bộ, địa phương còn tồn tại dai dẳng, không ít nơi, chính quyền và cán bộ, đảng viên, công chức xa dân, rất nhiều việc tiêu cực, trái pháp luật xảy ra và kéo dài, dân biết rõ nhưng bộ máy chính quyền và công chức không hề hay biết, hoặc biết nhưng không sửa, đùn đẩy trách nhiệm, gây nên ách tắc, trì trệ trong hoạt động quản lý.

- Dân chủ hình thức và vi phạm dân chủ vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ở cơ sở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội chưa được nhận thức và thực hiện đúng, chế độ trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu chưa được đề cao đúng mức cần thiết.

- Đời sống của một bộ phận dân cư còn rất khó khăn, đặc biệt ở nông thôn với nông dân, công nhân và lao động trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, trong quan hệ chủ - thợ. Thất nghiệp gia tăng, đáng lo ngại là thất nghiệp lại rơi vào số lao động được đào tạo, có học vấn, có chuyên môn cao làm gay gắt thêm tình trạng lãng phí nhân lực. Trong khi đời sống nhân dân còn khó khăn thì tình trạng lãng phí, quan liêu, tham nhũng vẫn diễn ra, tác động tiêu cực của lợi ích nhóm gây nên bất công xã hội, bất bình đẳng, gia tăng phân hóa xã hội, mâu thuẫn và xung đột xã hội… dẫn tới nguy cơ mất ổn định.

Đại hội XII đặc biệt nhấn mạnh phải đổi mới đồng bộ giữa kinh tế và chính trị. Để đổi mới chính trị và hệ thống chính trị, tạo bước chuyển thực sự trong xây dựng và thực hành dân chủ, cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đề cao tính tôn nghiêm, uy nghiêm của luật pháp, xây dựng và thực hiện nhất quán hệ thống luật pháp, chính sách, cơ chế, đặc biệt là các chế tài trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Phải bảo đảm các điều kiện sao cho việc giám sát, kiểm soát quyền lực và phản biện xã hội trở thành hành động, thực chất, hiệu quả.

Chỉ có đề cao luật pháp, siết chặt kỷ cương từ trong Đảng, trong Nhà nước và trong xã hội, tận dụng sức mạnh phê phán của dư luận xã hội, công khai và minh bạch thông tin, gắn liền luật pháp với đạo đức, với văn hóa… mới hy vọng tạo ra chuyển biến tích cực. Trong việc này, Đảng phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, trách nhiệm. Phải chứng tỏ sức mạnh dân chủ trong việc đẩy lùi tham nhũng, thu hồi tài sản do tham nhũng để bảo vệ lợi ích chung. Theo đó, chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, bảo đảm dân quyền để thực hiện dân chủ, vì dân mà thực hiện cho bằng được, kiên quyết, kiên trì thực hiện theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra.

GS.TS Hoàng Chí Bảo