Tăng cường trồng cây, trồng rừng bảo vệ môi trường
Nông nghiệp - Ngày đăng : 19:36, 17/01/2023
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội), trong năm Quý Mão 2023, toàn thành phố phấn đấu trồng mới 200.000-250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ trên các tuyến đường giao thông, khu đô thị; trồng 200.000 cây ăn quả; trồng mới, trồng bổ sung 20-30ha rừng; chăm sóc 3.546ha rừng trồng; quản lý bảo vệ 6.483ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Trong đó, riêng đợt ra quân đầu Xuân Quý Mão 2023, toàn thành phố trồng 100.000-120.000 cây xanh các loại, góp phần tạo cảnh quan thiên nhiên và bảo vệ môi trường Thủ đô.
Để Tết trồng cây đầu xuân có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, đơn vị đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội và thành phố kế hoạch triển khai cụ thể, bài bản. Trong đó, trồng cây xanh đô thị phải đa dạng về chủng loại, duy trì phát triển cây bản địa, bổ sung giống, loài cây mới phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Hà Nội, thống nhất về kích cỡ cây, cây trồng phải được bảo vệ, chăm sóc đúng kỹ thuật...
Thông qua phong trào trồng cây, trồng rừng đầu xuân, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và thấy rõ vai trò của cây xanh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, nhờ duy trì tốt phong trào trồng cây đầu xuân, trong giai đoạn 2016-2022, toàn thành phố Hà Nội đã trồng mới được hơn 2 triệu cây xanh, giúp nhiều tuyến phố của Thủ đô được khoác lên mình màu xanh tươi mới với những hàng cây như: Lát hoa, sao đen, chiêu liêu, bàng lá nhỏ, ban hoàng hậu, muồng hoàng yến...
Ngoài ra, trong những năm qua, 7 huyện, thị xã có rừng cũng trồng mới và trồng bổ sung được hơn 1.600ha rừng, trong đó 1.271ha rừng sản xuất, 370ha rừng phòng hộ, nâng tổng số diện tích rừng của thành phố Hà Nội lên hơn 27.100ha, cùng hàng nghìn hec ta cây ăn quả, góp phần tạo “lá phổi tự nhiên” bảo vệ môi trường sinh thái cho Thủ đô.
Tuy đạt được những kết quả tích cực, thành phố đã xanh - sạch - đẹp hơn, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ lệ cây xanh, cây hoa trên một số địa bàn còn ít; hệ thống vườn ươm còn hạn chế về quy mô, số lượng, chủng loại cây, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường cây xanh cho thành phố; hệ thống công viên cây xanh ở Hà Nội chưa theo kịp tốc độ phát triển của đô thị, chưa đáp ứng yêu cầu về môi trường; diện tích rừng trồng mới hằng năm còn thấp, chất lượng cây rừng chưa cao...
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Lê Minh Tuyên cho biết, đơn vị đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thành phố Hà Nội đề án quy hoạch trồng cây xanh bài bản, tổng thể, dài hạn, trồng các giống cây rừng có chất lượng và cây gỗ lớn, qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1-4-2021 của Thủ tướng Chính phủ về đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” và Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 15-3-2022 của UBND thành phố Hà Nội về trồng cây, trồng rừng giai đoạn 2021-2025 tại các huyện và thị xã Sơn Tây để bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.