Đâu là điểm nhấn?

Thể thao - Ngày đăng : 07:48, 10/03/2016

(HNM) - Với 57 kỳ tổ chức, Giải Việt dã toàn quốc và Marathon Báo Tiền Phong là một trong những giải đấu đỉnh cao có lịch sử lâu đời nhất trong làng điền kinh Việt Nam. Kỳ giải thứ 57 - năm 2016 được tổ chức vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thể thao Việt Nam, có nhiều điểm nhấn đáng chú ý cả về quy mô và chất lượng.

Giải Việt dã toàn quốc và Marathon Báo Tiền Phong lần thứ 56.


Ngày 9-3, trao đổi với báo giới tại Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức (BTC) giải, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn cho biết: "Điểm nhấn đầu tiên ở kỳ giải năm nay là hầu hết vận động viên (VĐV) cự ly trung bình và dài cấp độ đội tuyển và tuyển trẻ điền kinh quốc gia đều có mặt, tham gia tranh tài ở nội dung nâng cao. Điều đó bảo đảm cho chất lượng giải, khẳng định Giải Việt dã và Marathon Báo Tiền Phong luôn là thương hiệu nằm trong nhóm đầu của làng điền kinh Việt Nam.

Điểm nhấn thứ hai là BTC đã lựa chọn Cần Thơ làm địa điểm tổ chức thi đấu. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của lãnh đạo TP Cần Thơ, công tác tổ chức được thực hiện một cách bài bản. Điểm nhấn thứ ba là toàn bộ kinh phí tổ chức giải đều lấy từ nguồn xã hội hóa chứ không phụ thuộc ngân sách, chứng tỏ nỗ lực rất lớn của nhà tổ chức".

Về chuyên môn, nếu có chút tiếc nuối thì đó chính là việc VĐV số 1 ở cự ly 5.000m và 10.000m Nguyễn Văn Lai (Quân đội) không thể góp mặt vì chấn thương. Trưởng bộ môn Điền kinh - Tổng cục TDTT Dương Đức Thủy chia sẻ: "Dù chấn thương của Lai không quá nặng nhưng phần vì thế mạnh của Lai là nội dung thi đấu trong nhà chứ không phải marathon ngoài trời, phần vì muốn Lai nhanh chóng đạt thể trạng sung sức nhất để hoàn thành nhiệm vụ quốc tế nên Ban Huấn luyện quyết định không cử nhà vô địch SEA Games 28 thi đấu tại giải này".

Nhìn chung, các cuộc tranh tài tại giải sẽ rất hấp dẫn, bởi nói như ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó TTK Liên đoàn Điền kinh Việt Nam, Tổng trọng tài của giải thì "dù chưa hết hạn đăng ký nhưng đến thời điểm hiện tại đã có gần 250 VĐV thuộc 28 đơn vị tỉnh, thành, ngành đăng ký tham dự. Ngoại trừ Nguyễn Văn Lai, tất cả gương mặt hàng đầu của đội tuyển và tuyển trẻ đều tranh tài".

Giải được tổ chức năm 1958 với 72 VĐV tham dự. Qua 56 lần tổ chức, từ giải đấu này đã có nhiều VĐV trưởng thành, giành vinh quang trên đấu trường khu vực, châu lục. Đó là Hoàng Minh Phước, Bùi Lương, Nguyễn Văn Thuyết, Lưu Văn Hùng, Phạm Đình Khánh Đoan, Đoàn Nữ Trúc Vân, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Chí Đông, Phạm Thị Bình... Tiếp đà truyền thống ấy, Phó TTK Liên đoàn Điền kinh Việt Nam Nguyễn Văn Hùng tin tưởng rằng ở kỳ giải năm nay, các nhà tuyển trạch có thể phát hiện thêm những hạt nhân mới ở các nội dung dành cho lứa tuổi trẻ và thiếu niên.

Bên cạnh các nội dung chạy việt dã truyền thống, việc tổ chức nội dung marathon trong 3 kỳ liên tiếp, từ năm 2014 đến nay, được coi là bước phát triển mới trong nỗ lực góp phần giúp các VĐV cự ly dài của Việt Nam có thêm cơ hội rèn luyện, chuẩn bị cho những giải đấu quốc tế lớn trong năm.

Giải diễn ra vào sáng 20-3, tại Cần Thơ (VTV6 tường thuật trực tiếp từ 6h30). Các cự ly thi đấu gồm 42,195km marathon nam, nữ; 10km nam tuyển; 5km nữ tuyển; 7,5km nam trẻ; 3,5km nữ trẻ; 5km và 2,5km nam phong trào; 2,5km và 1,7km nữ phong trào; 5km nam thiếu niên và 2,5km nữ thiếu niên (dưới 17 tuổi). Ở nội dung marathon và nội dung phong trào, mọi công dân Việt Nam và người nước ngoài từ 16 đến 45 tuổi đều được đăng ký tham gia. 

Giải có tổng trị giá giải thưởng gần 170 triệu đồng.

Mai Hoa