Bài cuối: Quy rõ trách nhiệm để xử lý
Đời sống - Ngày đăng : 07:24, 10/03/2016
Hàng loạt trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Thái Hiền |
Đồng thời yêu cầu các địa phương triển khai đồng bộ giải pháp chống tái lấn chiếm, phát sinh vi phạm mới. Nhiều ý kiến cho rằng phải quy rõ trách nhiệm cho người đứng đầu các địa phương thì mới có thể tránh tình trạng "bắt cóc bỏ đĩa".
Đùn đẩy, né tránh trách nhiệm
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB, khi phát sinh vi phạm, các hạt quản lý đê điều đều tiến hành lập biên bản, tạm đình chỉ vi phạm, đồng thời chuyển chính quyền địa phương xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm hết sức khó khăn. Nguyên nhân là chính quyền địa phương đùn đẩy, né tránh, ngại va chạm. Đơn cử như ngày 9-12-2015, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã làm việc với UBND huyện Ba Vì về xử lý, giải tỏa vi phạm đê điều theo Quyết định 4862/QÐ-UBND. Qua kiểm tra, ra soát, UBND huyện mới chỉ triển khai xử lý "trên giấy" mà chưa triển khai xử lý giải tỏa vi phạm.
Lý giải về sự chậm trễ này, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho rằng: Các cơ quan quản lý đê điều phải chịu trách nhiệm chính, khi phát hiện vi phạm không thông báo sớm cho chính quyền địa phương phối hợp xử lý, giải tỏa, đến khi công trình đã hoàn thành mới lập biên bản, yêu cầu phối hợp xử lý. Hơn nữa, phần lớn các vi phạm tồn đọng trên địa bàn Ba Vì thiếu hồ sơ quản lý, hết hiệu lực thi hành nên không đủ căn cứ để tiến hành xử lý, giải tỏa.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên, Trần Hữu Thước, phần lớn vi phạm liên quan đến đất thổ cư nên chưa biết xử lý theo hướng nào. Tại các địa phương khác như: Ứng Hòa, Phúc Thọ, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Long Biên... kết quả xử lý, giải tỏa vi phạm đê điều cũng rất thấp, tồn đọng hàng trăm vụ.
Cần triển khai đồng bộ giải pháp
Theo ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, chính sự vào cuộc thiếu quyết liệt, nể nang, né tránh của các cấp chính quyền đã khiến tình trạng vi phạm đê điều xảy ra ở hầu hết các địa phương. Các cơ quan chức năng cũng gần như "bất lực", hoặc tổ chức cưỡng chế nhưng không triệt để dẫn đến tái phạm nhiều lần, gây lãng phí ngân sách. Ông Đỗ Đức Thịnh đề xuất, thành phố cần có chế tài mạnh tay như: Quy trách nhiệm và xử lý kỷ luật cán bộ đứng đầu; tịch thu phương tiện, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự những trường hợp cố tình vi phạm, tái vi phạm nhiều lần gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn đê, kè, hành lang thoát lũ sông. Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai tới nhân dân sinh sống ven đê, ngoài bãi sông.
Còn ông Nguyễn Chí Viễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho rằng, để ngăn chặn tình trạng lấn, chiếm và xử lý hành vi vi phạm Luật Đê điều triệt để, thành phố cần thực hiện việc cắm mốc chỉ giới bảo vệ đê, chỉ giới thoát lũ làm cơ sở cho công tác quản lý. Đồng thời tiếp tục đầu tư nâng cấp, tu bổ, xây dựng đường hành lang đê, dốc lên đê... Đối với những địa phương có đê đi qua đất thổ cư của nhân dân như ở Ứng Hòa, Phúc Thọ, Đan Phượng, Quốc Oai, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì... cần sớm bố trí đất tái định cư, hỗ trợ kinh phí di dời các hộ dân ra khỏi hành lang đê, kè và hành lang thoát lũ các sông.
Là người trực tiếp quản lý đê tại địa phương, ông Đào Quốc Vương, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Ba Vì, kiến nghị thành phố tăng chế tài xử phạt đối với chủ phương tiện vi phạm, thậm chí xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với hoạt động của các bến bãi vật liệu xây dựng nằm trong quy hoạch nhưng chưa có phép, ông Doãn Văn Hà, Phó phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ kiến nghị các sở, ngành của thành phố sớm hướng dẫn thủ tục xin cấp giấy phép. Có như vậy chính quyền địa phương và cơ quan chức năng mới có thể quản lý triệt để hoạt động khai thác trộm cát trên sông, hoạt động của xe ô tô ra vào bến, thu thuế nộp ngân sách.
Còn ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, kiến nghị thành phố sớm quy hoạch chi tiết các khu đất bãi bồi ven sông để làm cơ sở cho các địa phương quản lý, sử dụng hiệu quả, chống vi phạm và tái lấn chiếm. Hơn nữa, các sở, ngành của thành phố cần vào cuộc đồng bộ, thường xuyên. Cụ thể, Công an thành phố tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp hút cát trái phép ở lòng sông; Thanh tra Giao thông, đê điều, chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý các trường hợp xe quá tải đi trên đê và các trường hợp vi phạm khác theo quy định của pháp luật...
Thống kê của Chi cục Đê điều và PCLB, từ năm 2010 đến năm 2015, toàn thành phố mới xử lý, giải tỏa được khoảng 590 trường hợp/1.900 vụ vi phạm tồn đọng (gần 30%). Trong năm 2015, toàn thành phố mới xử lý được 34 trường hợp/326 vụ vi phạm (hơn 10%); 2 tháng đầu năm 2016 không xử lý được trường hợp nào trong tổng số 19 vụ vi phạm. Những vụ xử lý được chỉ là vi phạm giản đơn như lều lán, mái che, mái vẩy, hàng quán... còn lại các công trình vi phạm nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn tồn tại. |