Hết gian nan con chữ lên ngàn

Giáo dục - Ngày đăng : 06:29, 10/03/2016

(HNM) - Trong những năm qua, TP Hà Nội luôn quan tâm công tác giáo dục - đào tạo đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia, cánh cửa các trường đại học rộng mở hơn với học sinh DTTS và đặc biệt, tình trạng trẻ em không được đến trường đã không còn.


Một trong những điểm sáng thực hiện chính sách cho đồng bào DTTS là xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai): Không chỉ có đường ô tô vào tận trung tâm xã, 100% hộ dân có điện thắp sáng mà đây còn là địa phương đầu tiên của huyện có cả trường mầm non, tiểu học lẫn trung học cơ sở đều đạt chuẩn quốc gia. Bà Bùi Thị Hương (thôn Cổ Rùa) hồ hởi nói: "Trường lớp khang trang, thầy cô giáo tận tụy, yêu nghề, chúng tôi rất yên tâm về việc học của con em mình. Nhìn chúng nó đến trường mà tôi lại nhớ thời của mình, đường thì lầy lội, trường lớp tạm bợ nên việc học hành chả mấy người đến đầu đến đũa". Chủ tịch UBND xã Phú Mãn Bùi Văn Thảo khẳng định: Ba cấp học đều đạt chuẩn quốc gia là niềm vinh dự cho cả địa phương. Có được điều đó là nhờ sự quan tâm thực hiện đầy đủ chính sách đối với đồng bào DTTS của thành phố và các cơ quan chức năng. Xã phấn đấu giữ vững danh hiệu trường chuẩn quốc gia cấp độ I, tiếp tục xây dựng để đạt chuẩn cấp độ II.

Giờ học của cô và trò Trường Mầm non xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai.


Thực hiện Nghị quyết 06 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2015", UBND thành phố đã xây dựng Kế hoạch số 166 về "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô giai đoạn 2013-2015". Theo đó, thành phố đã dành 643 tỷ đồng để đầu tư 50 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo tại 14 xã dân tộc miền núi. Ông Nguyễn Tất Vinh, Trưởng ban Dân tộc thành phố cho biết: Đến nay, trong 56 trường học của 14 xã DTTS, có 35 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt hơn 60%). 200 giáo viên là người DTTS đang công tác tại 14 xã vùng DTTS ngoài chế độ, chính sách chung của Nhà nước còn được thành phố hỗ trợ 100.000 đồng/người/tháng.

Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, thành phố đã bố trí gần 30 tỷ đồng để thực hiện chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, trường chuyên biệt cho 300 lượt đối tượng được thụ hưởng. Học sinh con hộ nghèo thuộc vùng đặc biệt khó khăn đã được hưởng mức hỗ trợ 140.000 đồng/học sinh/ tháng (riêng học sinh mầm non hưởng mức hỗ trợ 70.000 đồng/ tháng), học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú được hỗ trợ 80% mức lương tối thiểu. Các em còn được cấp sách giáo khoa, văn phòng phẩm, dụng cụ học tập, cặp sách và các đồ dùng sinh hoạt theo quy định. Giáo viên trực tiếp giảng dạy được thụ hưởng phụ cấp ưu đãi 70% lương cơ bản và được hưởng hệ số 0,3 lương trách nhiệm. Giai đoạn 2011-2015, có 59 học sinh vùng DTTS được đi học theo chế độ cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thuộc khối y, dược…

Đặc biệt, từ năm 2015, Ban Dân tộc thành phố phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo, Thành đoàn tổ chức tuyên dương 148 học sinh là người DTTS đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp và các em đỗ đại học đạt từ 21 điểm trở lên. Bùi Duy Khương, dân tộc Mường, xã Tản Lĩnh (Ba Vì), sinh viên Đại học Bách khoa cho biết: Em từng là học sinh Trường Hữu nghị 80, thị xã Sơn Tây. Trong suốt những năm học phổ thông, em đều được hưởng các chế độ ưu tiên của Nhà nước. Đặc biệt, sau khi thi đại học được kết quả cao, em còn được tuyên dương. Đây là động lực thúc đẩy để Khương nỗ lực hơn nữa, đạt kết quả cao trong học tập. Sinh viên Trương Triệu Hải, người dân tộc Mường, xã Đông Xuân (Quốc Oai), đang học tại Học viện Hậu cần, bày tỏ: "Chúng em được hưởng rất nhiều sự ưu tiên của Nhà nước cũng như của thành phố. Em đã cố gắng thi đạt 25,5 điểm đỗ vào Học viện Hậu cần với mong muốn sau này trở thành người có ích cho xã hội, xứng đáng với sự quan tâm của các cấp".

Đối với đồng bào DTTS, đời sống nói chung, việc học hành của con em nói riêng không còn gian nan. Hiện tại, TP Hà Nội đang tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện hơn nữa các chính sách hỗ trợ nhà giáo, cán bộ quản lý, học sinh và cơ sở giáo dục vùng DTTS, miền núi để công tác này đạt kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới.

Sự quan tâm của các cấp, ngành, đoàn thể và sự cố gắng nỗ lực của thầy trò ở các bậc học đã đưa công tác giáo dục - đào tạo cho con em DTTS ở Thủ đô đạt được những kết quả khả quan. 100% trẻ em trong độ tuổi được học mẫu giáo và lớp 1. Tỷ lệ xã phổ cập giáo dục tiểu học, THCS đạt 100%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) năm 2015 đạt trên 90%. Tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương đạt 80,12%.

Hiền Phương