Thành công không khó nếu có "nhạc trưởng"

Văn hóa - Ngày đăng : 07:15, 09/03/2016

(HNM) - Tổ chức việc cưới trang trọng, văn minh, tiết kiệm là một trong những mục tiêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong lộ trình xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Cưới tập thể, nếp sống văn minh của người Việt.Ảnh: Viết Thành


Tuy đã đạt những kết quả bước đầu, song mô hình cưới văn minh, đặc biệt là chỉ tổ chức tiệc ngọt, tiệc trà vẫn chưa phổ biến. Kinh nghiệm triển khai của quận Hà Đông cho thấy, tổ chức việc cưới văn minh, tiết kiệm sẽ không khó nếu có "nhạc trưởng".

Mưa dầm thấm lâu

Không ít cán bộ làm công tác quản lý văn hóa ở cơ sở, khi trao đổi với phóng viên, cho rằng: Vận động nhân dân tổ chức việc tang văn minh, tiến bộ thì dễ, chứ việc cưới thì rất khó. Nguyên nhân là đời sống kinh tế ngày một khấm khá, lại thêm tâm lý cả đời chỉ cưới một lần, phải tổ chức cho bằng bạn bằng bè, bằng anh em làng xóm, kẻo bị cười chê; chưa kể lý do phải "trả nợ miệng", vì các mối quan hệ… Bởi thế, sau 4 năm triển khai, mô hình cưới vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm với lượng khách mời không quá 300 người/đám cưới; không tổ chức cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc theo tinh thần Chỉ thị 11, năm 2012 của Thành ủy Hà Nội chưa thực sự trở thành phong trào sâu rộng.

Quận Hà Đông cũng gặp phải những vướng mắc nêu trên khi vận động tổ chức việc cưới văn minh, nhất là ở các xã mới chuyển thành phường. Nhưng với quyết tâm xây dựng đời sống văn hóa mới, quận Hà Đông không ngại dùng "biện pháp mạnh" để ngăn chặn tình trạng tổ chức đám cưới phô trương, lãng phí, tốn kém có xu hướng gia tăng. Ngay từ năm 2009, Quận ủy Hà Đông đã ban hành Chương trình 06 về thực hiện việc cưới theo nếp sống văn hóa với các quy định khá khắt khe như: Mỗi đám cưới tổ chức không quá 40 mâm cỗ (mâm 6 người); không mời thuốc lá; không mở loa đài to, kéo dài đến khuya…

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, hằng năm, 100% Đảng ủy các phường trên địa bàn quận Hà Đông xây dựng nghị quyết chuyên đề về việc cưới và triển khai đến các tầng lớp nhân dân thông qua các cuộc họp chi bộ, tổ dân phố, hội nghị đại biểu nhân dân. 100% chi bộ ký cam kết tổ chức việc cưới văn minh giữa đảng viên với chi bộ; 100% hộ gia đình ký cam kết không vi phạm với tổ dân phố hoặc UBND các phường. Không những thế, quận Hà Đông còn thành lập Ban vận động tổ chức việc cưới văn minh từ quận đến cơ sở, với sự tham gia của đại diện các ban, ngành, đoàn thể, nòng cốt là MTTQ.

Trước khi các gia đình tổ chức đám cưới, thành viên Ban vận động ở các tổ dân phố sẽ đến thăm hỏi, động viên, đồng thời vận động các gia đình tổ chức việc cưới văn minh, tiết kiệm. Trên tinh thần đó, nếu cán bộ, đảng viên tổ chức cưới quá lớn sẽ bị xử lý; người dân vi phạm sẽ bị nhắc nhở công khai. Mưa dầm thấm lâu, nếu như năm 2009, quận Hà Đông chỉ có 60,8% số đám cưới thực hiện đúng quy định, đến nay tỷ lệ này tăng lên 95%. Mừng hơn, số đám cưới tổ chức tiệc ngọt, tiệc trà ngày càng nhiều. Điển hình như phường Vạn Phúc, mỗi năm có hơn 10 đám cưới chỉ tổ chức tiệc ngọt, tiệc trà.

Cần có "nhạc trưởng"

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Trần Sơn Hải (Trưởng ban Dân vận Quận ủy Hà Đông, Chủ nhiệm Chương trình 06) cho hay: Khi việc tổ chức cưới văn minh chưa thành nếp, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và sát sao của các ngành, đoàn thể rất quan trọng, nhưng việc khen thưởng những đơn vị, những tấm gương làm tốt và kỷ luật, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm là rất cần thiết. Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình 06, quận Hà Đông đã xử phạt hàng chục cán bộ, đảng viên vi phạm, từ khiển trách đến cách chức, miễn nhiệm, chuyển công tác. Người dân không phải là cán bộ, đảng viên, nếu vi phạm, sẽ bị nhắc nhở công khai.

Theo ông Trần Sơn Hải, việc nêu cao tinh thần gương mẫu, tiên phong thực hiện của cán bộ, đảng viên có vai trò tích cực trong thuyết phục người dân tự giác làm theo. Điều quan trọng không kém là sự quyết tâm của người đứng đầu, sự rõ ràng, trách nhiệm của từng ngành, đoàn thể. "Có thể nói, trong quá trình xây dựng và triển khai Chương trình 06, Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hà Đông được ví như "nhạc trưởng", lúc ráo riết, quyết liệt, lúc mềm dẻo, linh hoạt nên mô hình cưới văn minh từng bước đi vào đời sống. Sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 11, quận Hà Đông vẫn khuyến khích nhân dân thực hiện theo nội dung Chương trình 06 bởi Chương trình không những không trái với Chỉ thị, mà còn tiết kiệm hơn", ông Trần Sơn Hải nhấn mạnh.

Không chỉ ở quận Hà Đông, Thành đoàn Hà Nội từng đứng ra tổ chức đám cưới tập thể theo hình thức tiệc trà cho 10 cặp đôi tại địa điểm Trường Tiểu học Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) vào tháng 3-2013, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các bạn trẻ và dư luận. Sau đó, Đoàn thanh niên một số xã trên địa bàn huyện Đan Phượng, quận Bắc Từ Liêm… cũng đứng ra tổ chức cưới tiệc trà cho một số đôi. Trong khuôn khổ triển lãm du lịch trăng mật và dịch vụ cưới do Tạp chí Travellive tổ chức hằng năm tại Hà Nội, số lượng các đôi uyên ương đăng ký tham gia các hoạt động tập thể như: "Chạy marathon vì tình yêu", "Điệu valse tình yêu"… luôn cao hơn nhiều con số ấn định là 100 đôi của ban tổ chức.

Điều đó cho thấy, rất nhiều bạn trẻ mong muốn được tổ chức đám cưới vui tươi, tiết kiệm. Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội nên làm "nhạc trưởng", đứng ra tổ chức và vận động thanh niên, đoàn viên tham gia, thực hiện việc cưới văn minh. Ngành văn hóa sẽ nghiên cứu xây dựng quy ước cưới văn minh; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các mô hình văn hóa.

Ông Đặng Đình Dũng (Phó Bí thư Đảng ủy phường Phú Lương, Hà Đông):

Từ xã trở thành phường, nên các hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại khá nhiều ở địa phương. Những năm trước các gia đình ở Phú Lương vẫn tổ chức tiệc cưới quy mô hàng trăm mâm cỗ. Nhờ kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục, đến nay đã giảm xuống vài chục mâm. Thủ tục ăn hỏi, tổ chức lễ cưới cũng đơn giản hơn.

Hà Hiền