Quản lý vỉa hè, lòng đường: Vẫn là "bài toán" khó

Giao thông - Ngày đăng : 07:11, 09/03/2016

(HNM) - Vỉa hè, lòng đường hàng trăm tuyến phố tại TP Hồ Chí Minh bị người dân chiếm dụng buôn bán, kinh doanh,… đã ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị. Người dân bức xúc còn cơ quan chức năng vẫn loay hoay tìm cách giải

Người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường khi vỉa hè bị nuốt gọn.


Lấn chiếm tràn lan

Sau hơn 10 ngày chính quyền TP Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại các tuyến trung tâm thành phố, tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến, vẫn còn vi phạm tràn lan. Tại Quận 1, vỉa hè các tuyến Huỳnh Thúc Kháng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Trung Trực bị các quán hàng giải khát, quán ăn, bãi giữ xe… chiếm dụng. Chung cảnh ngộ là vỉa hè các đường Lê Lai, Thủ Khoa Huân, Cống Quỳnh, Phan Bội Châu… Tuy nhiên "nóng" nhất là việc chiếm dụng vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi, Cách Mạng Tháng Tám, Lý Tự Trọng, Phạm Hồng Thái, Tôn Thất Đạm…

Tương tự, tại Quận 3, gần như vỉa hè của 59 tuyến đường đều bị chiếm dụng. Các tuyến đường như: Nguyễn Phúc Nguyên, Nguyễn Thông, Rạch Bùng Binh, Lý Chính Thắng, Trương Định, Pasteur, Hai Bà Trưng… đều bị chiếm dụng từ 50% đến 100% diện tích, khiến người đi bộ không còn lối đi. Chị Mai Thùy Linh, nhân viên một văn phòng tại phường Bến Thành (Quận 1) ngao ngán cho biết: Do đường Huỳnh Thúc Kháng và Tôn Thất Đạm không còn vỉa hè nên phải đi dưới lòng đường, dù biết không đúng luật và nguy hiểm.

Theo ông Ngô Hải Đường, để trả lại vỉa hè, lòng đường cho người đi bộ, thành phố cần phải có kế hoạch chiến lược lâu dài, đặc biệt cần đầu tư xây bãi đỗ xe ngầm, đáp ứng nhu cầu để xe của người dân.

Còn theo 
ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh, nếu tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè không được cải thiện thì trách nhiệm thuộc về lãnh đạo các phường, xã.


Về vấn đề này, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng (Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện có 113 tuyến đường tại 7 quận cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè làm bãi giữ xe công cộng có thu phí. Bên cạnh đó, có 13 tuyến đường ở Quận 5 và Quận 6 cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè phục vụ kinh doanh dịch vụ, buôn bán hàng hóa. Toàn thành phố có hơn 3.000 tuyến đường, nếu trừ số được phép thì phần lớn các tuyến đường còn lại đang bị khai thác kinh doanh trái phép.
Cán bộ "du di"?

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Diệu, Chủ tịch UBND Quận 3 thừa nhận, dù đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, nhưng trên địa bàn quận vẫn còn nhiều tuyến bị chiếm dụng, đặc biệt là tại các khu chợ, bệnh viện, ga tàu, trường học. Theo ông Diệu, nguyên nhân chủ yếu là các cấp chính quyền thiếu kiên quyết trong việc tuyên truyền và xử phạt. "Thực ra có tình trạng du di của cán bộ trong việc xử lý đối với các hành vi lấn chiếm vỉa hè, xuất phát từ việc thông cảm với nhiều hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo", ông Diệu cho biết.

Về vấn đề có hay không hành vi tiêu cực trong việc xử lý đối với các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, ông Diệu cho biết: "Cho tới nay chúng tôi vẫn chưa nhận được phản ánh hay đơn tố cáo tiêu cực về chuyện này. UBND quận sẽ lắng nghe, theo dõi và kiểm tra, nếu phát hiện cán bộ vi phạm sẽ xử lý đến nơi, đến chốn".

Để giải quyết tình trạng chiếm dụng vỉa hè, UBND quận sẽ họp với các đơn vị liên quan, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, đồng thời yêu cầu cam kết thời gian hoàn thành việc chấn chỉnh trật tự lòng lề đường. Chính UBND quận sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động và thuyết phục các hộ chuyển nghề, không chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh, cam kết không vi phạm. Tuy nhiên, ông Diệu thừa nhận, khó khăn lớn nhất là bảo đảm an sinh xã hội, chuyển đổi việc làm cho những hộ nghèo, nhất là người dân ngoại tỉnh là bài toán khó. Nếu tuyên truyền, vận động mà vẫn vi phạm, sẽ cương quyết xử phạt.

Hà Phạm