Thổ Nhĩ Kỳ “nâng giá” với EU
Thế giới - Ngày đăng : 06:51, 09/03/2016
Người tị nạn Syria tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. |
Dẫu vậy, Hội nghị Thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc mà chưa đạt được thỏa thuận về các hành động tiếp theo nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư do EU chưa nhất trí với các đề xuất mới do Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nêu ra. Theo kế hoạch, cuộc khủng hoảng di cư sẽ tiếp tục là chủ đề được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vào ngày 17 và 18-3 tới.
Trước đó, Thủ tướng A.Davutoglu đã "bất ngờ" đưa ra những đề xuất mới với EU để đổi lại việc nước này có các biện pháp giúp kiềm chế làn sóng di cư vào Lục địa già. Đáng chú ý trong bản kế hoạch là việc Ankara yêu cầu EU tăng gấp đôi khoản hỗ trợ tài chính lên hơn 6 tỷ euro (6,6 tỷ USD) đến năm 2018 để tiếp nhận người tị nạn. Bên cạnh đó, Ankara cũng yêu cầu Châu Âu miễn thị thực nhập cảnh cho công dân nước mình và muốn điều này có hiệu lực bắt đầu từ tháng 9-2016.
Một đề nghị khác là khởi động lại đàm phán về việc gia nhập Châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà nước này đã chờ đợi trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra ý kiến của mình, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu (EP) Martin Schulz tuyên bố, việc gia nhập EU không được đưa ra làm điều kiện để Ankara thực thi những trách nhiệm của mình trong vấn đề di cư. Ông M.Schulz nhấn mạnh, Châu Âu sẽ phân biệt rõ ràng các cuộc đàm phán về gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ với cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.
Tháng 11-2015, EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt thỏa thuận về việc EU hỗ trợ tài chính cho Ankara để đổi lại việc quốc gia Á - Âu này sẽ giúp ngăn chặn dòng người di cư vào Châu Âu. Tuy nhiên, sau 3 tháng thực hiện, hơn 2.000 người mỗi ngày vẫn vượt qua Biển Aegean trên những chiếc thuyền và tàu đánh cá từ Thổ Nhĩ Kỳ để cập bến Hy Lạp. Tái định cư ở một nước thứ hai, thứ ba sẽ giúp người dân Trung Đông - Châu Phi trút bỏ gánh nặng chiến tranh.
Nhưng ngược lại đối với EU và Đức, điều này không mấy "vui vẻ" bởi làn sóng di cư sẽ ồ ạt sẽ tạo sức ép vô cùng lớn đến nền kinh tế - xã hội các nước Châu Âu. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần nhấn mạnh việc nước này đang phải gánh trên vai khoảng 2,5 triệu người đăng ký nhập cư chính thức, trong đó khoảng 1/10 sống trong các trại tị nạn. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng, họ đang phải chịu thiệt hại nhiều hơn so với các nước khác trong cuộc khủng hoảng người di cư.
Trên thực tế, ngay từ khi làn sóng tị nạn khởi phát, thái độ của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ luôn tỏ ra mâu thuẫn. Trong khi khả năng tiếp nhận người di cư là có hạn, song Ankara vẫn mở rộng cửa biên giới cho những người Syria trốn chạy chiến tranh. Hơn nữa, bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận với EU để giúp kiểm soát dòng người nhập cư bất hợp pháp, các nhóm buôn người vẫn hoạt động nhộn nhịp và công khai ở nước này, thậm chí có bàn tay thao túng của các loại tội phạm có tổ chức.
Với vị trí địa lý quan trọng, mọi nỗ lực của các nước EU trong việc kiểm soát biên giới đều sẽ vô ích nếu như không có cái bắt tay của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại trên đất Thổ có đến gần 4 triệu người tị nạn Syria và chỉ cần chính quyền Ankara thả lỏng, số người này sẽ ngay lập tức tìm mọi cách tràn sang Châu Âu, tạo nên một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.
Việc nhiều nước thuộc khối Schengen nối lại kiểm soát biên giới bất chấp việc đi ngược quy tắc đi lại tự do trong khối, mới đây nhất là Áo và các nước vùng Balkan tự nhất trí "cùng nhau khép chặt cánh cửa" đối với người tị nạn càng cho thấy EU vẫn chưa thể tìm ra lời giải chung cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Các hành động đơn phương của một quốc gia hay một nhóm quốc gia ở Châu Âu chỉ là giải pháp tạm thời.
Ankara hiện đã có các giải pháp cụ thể giúp Châu Âu thoát được thế khó. Đó là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lập trại tạm cư quy mô lớn với sức chứa lên đến 3 triệu người để phân loại người tị nạn ngay tại chỗ trước khi đưa sang Châu Âu. Ngoài ra, nước này cũng sẽ kiên quyết truy tìm những kẻ buôn người, đồng thời phối hợp với tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chặn, bắt các tàu đưa người tị nạn sang Hy Lạp.
Một trong những việc Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện là Ankara đã nhận lại những trường hợp bị trục xuất khi đặt chân tới Hy Lạp vì không đủ điều kiện tị nạn. Có thể nói, giải pháp Ankara hứa hẹn sẽ giúp Châu Âu giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc khủng hoảng di cư hiện nay. Tất nhiên, Ankara không làm điều này một cách miễn phí.
Các nhà phân tích nhận định rằng, có thể các nhà lãnh đạo EU sẽ đồng ý với những đề xuất mới của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc họp toàn khối vào giữa tháng này. Bởi lẽ, dù biết là phải phụ thuộc và nhân nhượng, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ được coi là giải pháp tối ưu nhất giúp Châu Âu ngăn chặn làn sóng người di cư trong khi Lục địa già gần như đã quá mệt mỏi với cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai.