Bài đầu: Xuất hiện nhiều vụ vi phạm mới
Đời sống - Ngày đăng : 06:37, 09/03/2016
Ngày 7-3, chúng tôi có mặt trên tuyến đê hữu Đáy, xã Liên Hiệp (Phúc Thọ). Cán bộ Hạt Quản lý đê Sơn Tây-Phúc Thọ cho biết: Hàng loạt vi phạm đã gây bức xúc dư luận. Cụ thể, ngày 22-2-2016, gia đình ông Đỗ Đinh, ở Đội 6, thôn Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp bị lập biên bản vi phạm do đóng cọc bê tông làm móng nhà vào hành lang bảo vệ đê hữu Đáy, vi phạm nghiêm trọng Khoản 5, Điều 7 Luật Đê điều. Tương tự, gia đình bà Vương Thị Hoa ở Đội 5 đã đào móng nhà trong phạm vi hành lang bảo vệ đê điều. Hạt Quản lý đê Phúc Thọ-Sơn Tây đã lập biên bản vào ngày 22-2 và yêu cầu UBND xã Liên Hiệp xử lý theo quy định của pháp luật, khôi phục lại hiện trạng ban đầu... Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế vào ngày 7-3, các công trình vi phạm vẫn đang được gấp rút hoàn thiện.
Tập kết vật liệu trong phạm vi hành lang bảo vệ đê điều tại xã Liên Hiệp, Phúc Thọ. |
Trao đổi về những vi phạm mới phát sinh, ông Đỗ Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Hiệp cho biết: Các trường hợp này đều xây dựng trên đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khó xử lý. Hơn nữa, các vi phạm trước đây chưa bị xử lý triệt để dẫn đến các hộ làm sau tiếp tục vi phạm. "Hiện nay, xã đang đánh giá lại hiện trạng đê điều và phân loại vi phạm để báo cáo UBND huyện Phúc Thọ hỗ trợ phương tiện, kinh phí giải tỏa" - ông Quý cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Công Cường, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều Phúc Thọ-Sơn Tây, trên địa bàn Phúc Thọ tồn tại 74 vụ vi phạm pháp luật bảo vệ đê điều. Riêng đê hữu Đáy qua địa bàn xã Hiệp Thuận và Liên Hiệp dài 5,6km đã xảy ra 46 vụ vi phạm, chiếm hơn 60% tổng số vụ trên toàn huyện. Nghiêm trọng nhất là địa bàn thôn Hạ Hiệp, xã Liên Hiệp, xảy ra 31 vụ vi phạm, đều đã bị Hạt Quản lý đê điều huyện lập biên bản, đề nghị chính quyền địa phương xử lý, giải tỏa nhưng vi phạm cũ vẫn tồn tại, nên vi phạm mới tiếp tục phát sinh.
Tại huyện Ba Vì, từ năm 2010 đến năm 2015, tồn tại 82 vụ vi phạm pháp luật đê điều, 22 bến bãi vật liệu xây dựng không phép. Các vi phạm đều có hồ sơ quản lý nhưng việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Đào Quốc Vương, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều Ba Vì, khi cán bộ quản lý đê đến làm việc, lãnh đạo các xã không tiếp hoặc cáo bận?
Theo ông Phạm Quang Đông, Trưởng phòng Quản lý đê điều (Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội), vi phạm không chỉ diễn ra ở khu vực ngoại thành, mà ngay ở nội thành tình hình vi phạm đê điều và hành lang thoát lũ Sông Hồng cũng diễn ra rất nghiêm trọng như: Đổ phế thải, xây dựng lều lán, lấn chiếm bãi sông tại khu vực Ngõ 76 An Dương, phường Tứ Liên; xây dựng khu vui chơi giải trí tại phường Nhật Tân (Tây Hồ). Đặc biệt, tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, Công ty cổ phần sinh thái Gió Sông Hồng xây dựng công trình quy mô lớn giữa bãi Sông Hồng mà chưa được xử lý, gây bức xúc dư luận nhân dân... Ngoài ra, hoạt động của xe quá khổ, quá tải trọng đi trên đê, sử dụng trái phép đất ven sông làm các bãi chứa vật liệu xây dựng chưa được kiểm soát. Nhức nhối nhất là ở dọc hai bên triền đê Sông Hồng, Sông Đuống, Sông Đáy... đang tồn tại 211 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, trong đó 184 bãi hoạt động không phép, 10 bãi sai phép. Hậu quả những vi phạm này gây ra là làm hư hỏng mặt đê, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của đê điều.
Số liệu thống kê của Chi cục Đê điều và PCLB (Sở NN&PTNT) Hà Nội cho thấy, từ năm 2010 đến năm 2015, trên 20 tuyến đê chính trên địa bàn thành phố đang tồn tại 1.900 vụ vi phạm Luật Đê điều. Trong đó, năm 2015, xảy ra 326 vụ gồm: 10 vụ xây dựng nhà kiên cố; 134 vụ xây dựng nhà cấp bốn, xây công trình phụ; 38 vụ chất vật liệu lên phạm vi bảo vệ đê. Riêng 2 tháng đầu năm 2016 đã phát sinh 19 vụ vi phạm mới... Vi phạm Luật Đê điều tập trung nhiều ở các quận, huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm, Long Biên... |