Bài đầu: Những cánh đồng khát
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:17, 09/03/2016
Bài đầu: Những cánh đồng khát
Những cánh đồng lúa đi không lún chân. Những mảng màu xám trắng liếm dần màu xanh. Đó là thực trạng đang diễn ra tại các tỉnh ĐBSCL, nơi cây lúa nước là chén cơm bao đời của người dân. Hàng nghìn hộ gia đình đang đứng trước cảnh nghèo đói do hạn hán và xâm nhập mặn.
Ông Đỗ Văn Hoàng nhổ bụi lúa đã chết khô trên đám ruộng của mình. |
Xuôi tay nhìn cánh đồng tàn lụi
Trên đường từ TP Bến Tre về các huyện Giồng Trôm và Ba Tri, không hiếm gặp những cánh đồng lúa thay vì vàng ươm đã chuyển màu trắng toát vì chết cháy do hạn hán, xâm nhập mặn. Dừng lại ven đường, chúng tôi gặp ông Đỗ Văn Hoàng (ấp Bình An, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm) khoanh tay trầm ngâm nhìn đám ruộng đang úa tàn sau bao ngày bỏ công, bỏ của ra chăm sóc. Nhiều khả năng gần 1ha ruộng lúa đang trong thời kỳ ngậm sữa của gia đình sẽ mất trắng. Mang đôi dép lê xộc xệch, bước xuống ruộng nhưng vẫn không lấm bùn vì chân ruộng đã khô nẻ, nhổ một bụi lúa đưa cho chúng tôi xem, ông nói: "Anh nhìn đây, gốc thúi hết rồi, cứu gì nổi, chờ chết thôi. Bao nhiêu vốn liếng đổ vào đám ruộng này coi như hết".
Tại huyện Ba Tri (Bến Tre), ông Nguyễn Thành Lâm, Phó phòng NN&PTNT huyện dẫn chúng tôi xuống các cánh đồng lúa đang khô héo. Dừng lại một đám ruộng ở xã An Bình Tây, ông Lâm chỉ tay: "Chỗ nào khô trước, lúa chết trước, sau đó lan ra hết đám ruộng". Chúng tôi hỏi, liệu còn cứu được không, ông đáp: "Càng bơm nước vào, lúa càng chết nhanh hơn". Còn tại huyện Trà Cú (Trà Vinh), theo chân một cán bộ phòng NN&PTNT huyện trong chuyến thị sát, chúng tôi mới hiểu vì sao người nông dân và cả chính quyền địa phương bó tay không thể cứu nổi những ruộng lúa đang khô dần từng ngày. Dừng lại một đám ruộng tại xã Hàm Giang, ông Thạch Sô Phanh (Phó phòng NN&PTNT huyện Trà Cú) mở dụng cụ ra để đo độ mặn, trước khi đo, ông bảo: "Tôi sẽ đo độ mặn ở ngoài kênh và trong nội đồng để anh hiểu vì sao bà con càng bơm nước vào lúa càng chết nhanh hơn". Sau khi đo, kết quả độ mặn nội đồng là 3,3‰, trong khi độ mặn ngoài kênh lên tới 3,9‰. Ông Phanh giải thích, lúa chết một phần do thiếu nước, một phần do độ mặn quá cao, càng bơm nước vào không những khiến lúa càng chết nhanh mà còn khiến đất trong ruộng bị nhiễm phèn và tích tụ lâu dài, ảnh hưởng dai dẳng đến các mùa vụ sau. Việc xử lý phèn còn khó khăn và tốn kém hơn xử lý mặn rất nhiều.
Càng đi dần về các tỉnh thuộc hạ lưu sông Mê Kông, những cánh đồng lúa chết cháy càng hiện ra nhiều hơn. Chúng tôi không khó để bắt gặp những cánh đồng lúa bị bỏ hoang hóa, đất nứt nẻ, ruộng biến thành gò. Đặc biệt, có những cánh đồng lúa dù đã trổ bông nhưng vẫn cháy rụi, coi như mất trắng. Kết quả kiểm tra thực tế tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất lúa vụ đông xuân (vụ đang bị thiệt hại) tại 4 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Kiên Giang tính đến cuối tháng 2-2016 cho thấy, diện tích bị ảnh hưởng và thiệt hại lên tới gần 60.000ha. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích lúa vụ đông xuân tại 8 tỉnh ven biển gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn từ nay đến cuối vụ có thể lên tới 94.194ha. Trong khi đó, theo Tổng cục Thủy lợi, diện tích lúa đang gần đến thời kỳ thu hoạch bị ảnh hưởng bởi hạn - mặn toàn vùng ĐBSCL hiện nay lên tới hơn 100.000ha và thời gian tới có thể sẽ còn tăng lên.
Cuộc giằng co ngọt - mặn
Hiện cống điều tiết Ba Lai (Bến Tre) - một trong những cống điều tiết lớn nhất ở ĐBSCL - đang phải đóng để ngăn mặn xâm nhập vào các vùng sản xuất nông nghiệp chính của tỉnh. Theo quan sát, hiện mực nước phía thượng nguồn cống Ba Lai đang xuống khá thấp nhưng cống không thể mở để tiếp nước vào do độ mặn ngoài cống rất cao. Bến Tre đã tiêu tốn khoảng 70 tỷ đồng để đắp hàng loạt con đập tạm, đồng thời nạo vét kênh mương dẫn nước ngọt. Tuy nhiên, do hệ thống thủy lợi toàn tỉnh chưa khép kín nên năng lực giữ ngọt, ngăn mặn còn hạn chế.
Ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết, tỉnh đang đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 80 tỷ đồng để có kinh phí tiếp tục đắp hàng loạt đập tạm khác nhằm ứng phó với tình hình hạn - mặn đỉnh điểm hiện nay. Tuy nhiên, theo các ngành chức năng của tỉnh, việc xây quá nhiều đập tạm cũng khiến cho việc tiếp, xả nước khó khăn. Nguồn nước trong nội đồng do tồn đọng nhiều phân, thuốc bảo vệ thực vật không thoát được sẽ gây ô nhiễm, ảnh hưởng lâu dài đến vụ mùa sau.
Còn tại tỉnh Trà Vinh, ông Lê Phước Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, hiện địa phương đang dồn lực lượng thường trực để vận hành liên tục hệ thống thủy lợi thuộc tiểu dự án Nam Măng Thít. Nhờ dự án này, Trà Vinh có hệ thống đê bao, cống đập cơ bản khép kín hai bờ sông Cổ Chiên (phía Bắc) và Sông Hậu (phía Nam). Những năm trước, hệ thống cống - đê bao này đã phát huy tác dụng rất tốt. Tuy nhiên, năm nay mặn đến sớm gần một tháng và tăng cao bất thường nên các đơn vị vận hành cống phải đóng, mở liên tục. "Dọc tuyến đê bao phía sông Cổ Chiên và Sông Hậu có 48 cống lớn đang phải vận hành đóng mở liên tục. Mặn từ cửa sông lên tới đâu, chúng tôi đóng cống tới đó để ngăn mặn xâm nhập. Tương tự, nước ngọt từ thượng nguồn đổ xuống tới đâu, cống sẽ được mở tới đó để tiếp ngọt. Tuy nhiên, những ngày gần đây hầu hết các cống này phải đóng liên tục vì mặn đã xâm nhập rất sâu lên phía thượng lưu sông, vượt qua cống cuối cùng tính từ hướng hạ lưu đi lên. Đồng thời, trong lúc đóng cống, các lực lượng chức năng phải túc trực theo dõi liên tục độ ngọt trên các sông để kịp thời mở cống", ông Dũng nói.
Một số địa phương ở ĐBSCL tuy có hệ thống thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt nhưng có thể thấy, cuộc giằng co mặn - ngọt đang rất khốc liệt. Dự báo, tình hình này sẽ còn tiếp tục kéo dài đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm nay và mức thiệt hại sẽ vô cùng lớn.
Tính đến hết tháng 2-2016, 6/13 tỉnh và thành phố vùng ĐBSCL đã công bố tình trạng thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn ở các cấp độ khác nhau là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau và Kiên Giang. Trong đó, tỉnh Cà Mau diện tích lúa bị thiệt hại nặng nhất với hơn 49.000ha, kế đến là Kiên Giang với hơn 35.000ha. |