Trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ: Siết trách nhiệm, tăng tuyên truyền

Đời sống - Ngày đăng : 06:12, 09/03/2016

(HNM) -

Vỉa hè một số tuyến phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã thông thoáng hơn so với trước.Ảnh: Khánh Nguyên


Đồng bộ giải pháp giải quyết "điểm nóng"

Với vị trí trung tâm Thủ đô, có nhiều tuyến phố cổ vỉa hè nhỏ hẹp; hoạt động kinh doanh trên hè lại diễn ra rất phổ biến, nên địa bàn quận Hoàn Kiếm nhiều năm qua trở thành "điểm nóng" của tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Với quyết tâm cao, ngày 7-3, Công an (CA) quận và các phường của quận Hoàn Kiếm đã ra quân triển khai kế hoạch giải quyết trật tự đô thị (TTĐT), trật tự công cộng, với mục tiêu xử lý nghiêm vi phạm, tạo hành lang thông thoáng cho người đi bộ trên vỉa hè.

Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng CA quận Hoàn Kiếm cho biết, đối tượng tập trung xử lý là các cá nhân, tổ chức lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, khoảng không để kinh doanh; các điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép; vi phạm về vệ sinh môi trường... CA quận đã phối hợp với Đội Thanh tra GT-VT khảo sát, tham mưu cho UBND quận các giải pháp cụ thể về quản lý giao thông, đô thị, tập trung làm giảm cơ bản các điểm phức tạp về TTĐT. Ngoài CA, các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, tự quản, các đoàn thể cùng vào cuộc để tạo sức mạnh tổng hợp. Tại địa bàn trọng điểm như phường Đồng Xuân, Trung tá Vũ Quốc Toản, Trưởng CA phường cho biết, đã quán triệt đến các lực lượng bám sát địa bàn, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm gắn với liên tục nhắc nhở để duy trì kết quả.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bạc Hoàng Văn Tuấn, từ ngày 10-2, phường đã ra quân giữ gìn TTĐT, tình hình bước đầu có chuyển biến. Điển hình là tuyến phố Đinh Tiên Hoàng (đăng ký xây dựng tuyến phố kiểu mẫu), từ trước tết Nguyên đán đến nay được sắp xếp gọn gàng. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại là còn một số trường hợp trông xe trái phép trong nhà vào các tối cuối tuần ở tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Đồng Xuân. Để giải quyết triệt để, ngày 9-3, CA và chính quyền sẽ làm việc với các trường hợp này nhằm tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không vi phạm, nếu còn vi phạm sẽ xử lý nghiêm. "Chúng tôi cố gắng tạo chuyển biến rõ nét về TTĐT. Bên cạnh lực lượng CA (khoảng 20 người), phường phải huy động thêm lực lượng đoàn thanh niên, cựu chiến binh tuyên truyền, vận động, hạn chế tối đa việc kinh doanh mặt phố" - ông Tuấn nói.

Tại phường Hàng Đào, Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Sơn Hải cho biết, với các trường hợp thường xuyên vi phạm, phường tổ chức ký cam kết không vi phạm trong hai ngày, nếu không chấp hành sẽ xử lý nghiêm. Tại các tụ điểm phức tạp và giáp ranh, phường tập trung lực lượng, phối hợp với các phường lân cận cùng giải quyết. Đến nay, cơ bản trục tuyến Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường đã giải quyết, không cho phương tiện dừng đỗ sai quy định, trả lại vỉa hè thông thoáng.

Vỉa hè trên tuyến phố Triệu Việt Vương bị lấn chiếm không còn chỗ dành cho người đi bộ. Anh: Anh Tuấn


Tăng cường kiểm tra, xử lý

Theo đại diện một số quận, huyện, những năm gần đây việc thành phố đẩy mạnh phân cấp quản lý vỉa hè cho các quận, huyện, thị xã là phù hợp và hiệu quả hơn, tuy nhiên vẫn còn bất cập cần phải khắc phục.

Ông Hà Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa cho biết, trước đây việc quản lý vỉa hè thuộc thành phố, từ cuối năm 2013, UBND thành phố có quyết định phân cấp cho quận Đống Đa quản lý 31 tuyến hè phố, ngõ. Các tuyến phố còn lại trên địa bàn quận do Sở GT-VT quản lý đồng bộ lòng đường, hè phố. Thực tế việc phân cấp như vậy giúp quận chủ động trong công tác duy trì, sửa chữa, vận hành khai thác và sử dụng (hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung); thuận lợi hơn cho công tác tổ chức giao thông; việc quản lý việc sử dụng hè phố ngoài mục đích giao thông (trông giữ phương tiện, xử lý các hành vi buôn bán kinh doanh lấn chiếm vỉa hè) cơ bản đồng bộ, hiệu quả…

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên để thực hiện đúng các nội dung được các cơ quan cấp giấy phép có lúc, có nơi còn chưa được thực hiện đúng quy định. Trong khi đó, chế tài xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép trông giữ xe trên vỉa hè còn chưa đủ sức răn đe: Có hành vi vi phạm về diện tích trông giữ mức xử phạt cao nhất chỉ là 14 triệu đồng, còn quá thấp so với lợi nhuận thu được từ trông giữ phương tiện.

Đánh giá về bức tranh quản lý vỉa hè ở Thủ đô hiện nay, ông Trần Đăng Hải, Chánh Thanh tra Sở GT-VT Hà Nội cho biết: Thực hiện chỉ đạo của thành phố và theo phân cấp, các sở ngành, chính quyền, lực lượng chức năng và các địa phương đã có những chương trình, kế hoạch cụ thể như: Sơn kẻ vỉa hè để xe máy cho gọn gàng; sắp xếp, tổ chức lại hoạt động kinh doanh, buôn bán và quy hoạch, sắp xếp các điểm trông giữ xe trên vỉa hè; xử phạt các phương tiện dừng đỗ không đúng nơi quy định… Đồng thời, các lực lượng chức năng như Thanh tra Sở GT-VT, Công an thành phố và địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt. Về cơ bản, công tác quản lý lòng đường, vỉa hè đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trên một số tuyến phố nội đô vẫn tái diễn vi phạm gây bức xúc trong nhân dân và ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông.

Tại buổi họp của TP Hà Nội với Bộ GT-VT về công tác quản lý nhà nước về GT-VT, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô mới đây, liên quan đến công tác quản lý vỉa hè, lòng đường, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nhấn mạnh: "Phải siết lại công tác quản lý vỉa hè bởi các quy định liên quan đã cơ bản đầy đủ. Bộ GT-VT đã có quy định vỉa hè phải dành 1-1,5m cho người đi bộ. Bây giờ vỉa hè không còn đủ 1-1,5m, lại dành để xe máy hết rồi thì tức là không được phép kinh doanh vỉa hè. Với những tuyến phố có vỉa hè rộng cũng phải quy định được kinh doanh đến đâu. Nhiều gia đình, cửa hàng kinh doanh còn vứt rác bừa bãi ra vỉa hè, lòng đường. Do đó, phường, xã phải đi kiểm tra, xử phạt, từ hành vi lấn chiếm vỉa hè cho đến xả thải bừa bãi. Bây giờ cần phải kiểm tra trách nhiệm của lãnh đạo các phường, xã. Ai vi phạm thì phải bị xử lý nghiêm. Xử phạt không nghiêm sẽ nhờn, sẽ không bao giờ xây dựng được nhà nước pháp quyền, một xã hội thượng tôn pháp luật".

Ngoài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Hoàn Kiếm Lê Hồng Phú, rất cần nâng trách nhiệm người thi hành công vụ; tăng cường vai trò giám sát của nhân dân trong công tác quản lý vỉa hè. "Khi nào còn tiêu cực thì vi phạm còn tiếp tục. Do vậy, cần biện pháp giải quyết từ gốc là thay đổi nhận thức của người dân. Chỉ có như vậy, mọi kết quả mới bền vững" - ông Phú nói.

Rõ ràng, đi đôi với siết chặt lại công tác quản lý vỉa hè mà trọng tâm là tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục đối với người dân sống ở khu vực ven đường. Cần hướng mạnh mục đích tuyên truyền vào xây dựng nếp sống văn minh, ý thức tôn trọng cộng đồng để chia sẻ lợi ích chung. Không chỉ vì lợi nhuận kinh doanh của mình mà lấn chiếm vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Nói cách khác, để trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ một cách lâu dài, cần phải hình thành cho được một nếp sống đô thị mới.

Nhóm PV Nội chính - Kinh tế