Triệt xóa băng nhóm gây ra hơn 3000 vụ trộm và tiêu thụ xe gian

Pháp luật - Ngày đăng : 20:55, 08/03/2016

Ngày 8-3, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị tổng kết chuyên án triệt phá băng nhóm trộm cắp xe máy tại các tỉnh thành phía Nam. Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát chủ trì hội nghị.


Những năm gần đây, tình hình tội phạm trộm cắp và tiêu thụ xe máy trên địa bàn cả nước nói chung và các tỉnh thành phía Nam nói riêng diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, chiếm tỷ lệ 50% số vụ trộm.

Đáng chú ý, số xe máy bị mất trộm được thu hồi rất ít nên gây tâm lý bất an cho người dân, tiềm ẩn yếu tố gây mấy ổn định về ANTT. Đặc điểm tài sản bị mất trộm rất đa dạng về chủng loại, trong đó xe bị mất trộm nhiều nhất là các loại xe máy hiệu SH, Wave, Airblade.

Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng phát biểu tại hội nghị.


Thời gian gây án, chủ yếu vào buổi trưa và tối. Đối tượng đã lợi dụng sơ hở mất cảnh giác của người dân như, để xe ngoài đường, trước cửa hàng, cửa hiệu, đậu xe trước nhà rồi đi nơi khác, làm việc. Đối tượng thường xuyên sử dụng công cụ cạy cửa, cắt khóa, bẻ khóa cổng, sử dụng đoản phá khóa xe máy.

Ngoài ra, đối tượng còn giả khách trà trộn vào trụ sở các cơ quan, đơn vị Nhà nước rồi tìm xe máy để lấy trộm. Gây án xong, bọn chúng móc nối với các đối tượng sửa xe máy thay đổi một số bộ phận của xe rồi mang đi tiêu thụ, phần lớn xe trộm được đem sang Campuchia tiêu thụ.

Nhận định tính chất nghiêm trọng và phức tạp của tình hình tội trộm cắp tài sản, ngày 10-6-2014, Tổng cục Cảnh sát đã xác lập chuyên án đấu tranh. Sau thời gian tích cực phá án, Ban chuyên án đã triệt phá 25 băng nhóm chuyên trộm và tiêu thụ xe máy, khởi tố, bắt tạm giam 120 đối tượng liên quan trong đường dây tội phạm do Nguyễn Văn Kỳ (tức Hai, Quý, Việt, Thọ, 36 tuổi, ngụ huyện Châu Phú, An Giang) cầm đầu. Cơ quan điều tra đã thu hồi hàng chục xe máy, 47 đoản phá khóa, 1 súng bắn khóa, 82 biển số xe, 217 khung xe máy các loại…

Các đối tượng cầm đầu khai nhận, các đường dây tiêu thụ và trộm cắp gây ra hơn 3000 vụ trộm xe máy từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến Cà Mau. Qua đấu tranh, lực lượng Công an đã làm rõ hàng trăm vụ trộm xe máy còn tồn đọng. Chỉ tính riêng 4 đối tượng cầm đầu các nhóm trộm cắp từ năm 2012 đến tháng 11-2014 đã gây ra 511 vụ án trên nhiều địa bàn.

Trao đổi về quá trình đấu tranh chuyên án, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, cho biết: Hiện nay, trộm xe máy liên quan đến nhiều đối tượng ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Đã xuất hiện nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động liên tỉnh và liên kết với nhóm đối tượng người nước ngoài, đặc biệt người Campuchia. Để che mắt cơ quan chức năng, bọn chúng còn liên kết chặt chẽ với các đường dây chuyên làm giấy tờ giả để tiêu thụ xe gian.

Chính vì vậy, mà công tác đấu tranh của lực lượng Công an luôn phải quyết liệt, ngày đêm đeo bám ở khắp các địa bàn. Truy tìm một đối tượng cầm đầu và làm rõ đường dây của chúng đòi hỏi chúng tôi phải tập trung lực lượng đấu tranh, bóc gỡ hoạt động của đường dây này. Bởi lẽ, một đối tượng trộm thì không thể thực hiện trót lọt được nhiều phi vụ, mà liên kết với nhiều đối tượng ở các địa bàn khác nhau nhằm tổ chức lấy trộm và tiêu thụ xe gian.

Cùng ngày, Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã trao tặng bằng khen cho 6 tập thể gồm, Đội CSĐTTP về hình sự, kinh tế, môi trường Công an thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp); Đội CSĐTTP về TTXH Công an quận Cái Răng (TP Cần Thơ); Phòng PC45 Công an tỉnh Trà Vinh; Công an thị xã Đồng Xoài (Bình Phước); PC45 Công an tỉnh Tây Ninh; Đội hướng dẫn điều tra án xâm phạm sở hữu và các tội phạm hình sự khác (Đội 4); Phòng PC45 Công an tỉnh Bến Tre; 29 cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chuyên án.

Theo CAND