Liên kết vùng để tiêu thụ nông sản
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:17, 18/01/2023
Những điểm tích cực và hạn chế
Theo Giám đốc Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đại Lan (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì) Nguyễn Đại Thắng, hợp tác xã đang liên kết phát triển vùng nguyên liệu với Công ty TNHH Nông trại thực phẩm HNH ở cùng huyện. Sản phẩm liên kết chủ yếu là rau ăn lá, rau ăn củ, quả. Nhờ liên kết, sản phẩm của công ty (nông sản, thực phẩm qua sơ chế) đã đến với 30 bếp ăn tập thể, 2 siêu thị trên địa bàn Thủ đô. Trung bình mỗi tháng, hợp tác xã cung cấp hàng chục tấn rau sạch cho thị trường, vào dịp Tết Nguyên đán số lượng có thể tăng 10-15% tùy theo nhu cầu của khách hàng.
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hậu Giang Nguyễn Minh Đức cho biết, hiện nay, tỉnh Hậu Giang cung cấp cho Hà Nội sản phẩm chanh leo, sầu riêng, cá thát lát... trung bình khoảng 30-50 tấn nông, lâm, thủy sản/tháng. Vào dịp Tết Nguyên đán, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, ngành Nông nghiệp Hậu Giang đã hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với các đơn vị trên địa bàn Hà Nội để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.
Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, Hà Nội đã kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản với hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước; thường xuyên tổ chức hội chợ, tuần lễ, hội nghị kết nối, trưng bày giới thiệu sản phẩm nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu kết nối hàng hóa vào các kênh phân phối hiện đại. Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân về thịt lợn hơi khoảng 19.300 tấn/tháng, thịt gia cầm 6.400 tấn/tháng; rau củ khoảng 107.500 tấn/tháng... trong khi Hà Nội chỉ chủ động được 30-60% tùy từng loại sản phẩm.
“Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, Hà Nội đẩy mạnh liên kết vùng để cung cấp nông sản về Thủ đô. Năm 2022, các tỉnh, thành phố đã cung cấp cho Hà Nội 162.500 tấn rau; 53.557 tấn cây ăn quả; 60.429 tấn thịt; 7.597 tấn thủy sản; 19.500 tấn thực phẩm chế biến...”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh thông tin, cả nước đã tổ chức được trên 2.510 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, trong số các chuỗi nêu trên có sự tham gia của hơn 300 công ty, 150 hợp tác xã. Tuy nhiên, trong liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với hợp tác xã còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, việc tiêu thụ sản phẩm từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội còn qua nhiều khâu trung gian, hiệu quả kinh tế không cao.
Đa dạng hình thức kết nối
Để việc liên kết vùng miền phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung cho doanh nghiệp, các địa phương đã tập trung sản xuất theo hướng an toàn, tạo ra nguồn nông sản chất lượng cao. Theo ông Nguyễn Văn Vinh, một hộ sản xuất nông sản an toàn ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, thời gian tới, Hà Nội cần giới thiệu địa điểm thuận lợi tại các quận, huyện, thị xã... hỗ trợ các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức điểm bán sản phẩm theo nhu cầu, tập trung vào dịp lễ, Tết, mùa thu hoạch nông sản...
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, năm 2023, Sở NN&PTNT sẽ tăng cường phối hợp trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; giám sát, thanh tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ và ngược lại. Hà Nội tiếp tục gắn chặt liên kết vùng với các tỉnh, thành phố để tổ chức sản xuất theo chuỗi quy mô lớn, sản xuất VietGAP. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp của Thủ đô và các tỉnh, thành phố quảng bá giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là vào vụ Tết, vụ thu hoạch, theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch thành phố Hà Nội Bùi Duy Quang, đơn vị đã phối hợp tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu thị trường cho các sản phẩm đạt chứng nhận Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội và các tỉnh, thành phố để nâng cao giá trị sản phẩm.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản cho rằng, để tăng liên kết vùng, các địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức lại sản xuất; đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất; tạo điều kiện cho các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển để hình thành các chuỗi giá trị; mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.