Tăng chi phí, có tăng an toàn?

Giao thông - Ngày đăng : 07:10, 08/03/2016

(HNM) - Từ năm 2016, thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo Thông tư 70/2015/TT-BGTVT bị rút ngắn chu kỳ đối với phương tiện ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải (KDVT).

Xe taxi thuộc diện rút ngắn chu kỳ kiểm định theo Thông tư 70/2015/TT-BGTVT. Ảnh: Anh Tuấn


Các doanh nghiệp KDVT và lái xe "kêu trời" vì sẽ phải tăng chi phí hơn nhiều so với trước đây. Nhưng nhà quản lý thì cho rằng chi phí tăng sẽ tỷ lệ thuận với độ an toàn phương tiện, an toàn giao thông...

Chi phí tăng gấp đôi

So với Thông tư 10/2014/TT-BGTVT, ô tô con đến 9 chỗ có KDVT (phần nhiều là taxi) được kiểm định theo chu kỳ đầu là 24 tháng, chu kỳ định kỳ tiếp theo là 12 tháng, nay áp dụng theo Thông tư 70/2015/TT-BGTVT bị rút ngắn mỗi chu kỳ xuống 6 tháng khiến cả đơn vị kinh doanh lẫn lái xe đều kêu khó. Bởi việc giảm nửa thời gian đăng kiểm sẽ tăng gấp đôi chi phí đầu vào. Trước đây một năm đăng kiểm taxi một lần hết tổng tiền phí là 340.000 đồng, nay sẽ là 680.000 đồng/năm. Chưa kể chi phí vô hình là thời gian đưa xe đi đăng kiểm phải ngừng hoạt động kinh doanh.

Anh Nguyễn Trần Toàn (Hãng Taxi Group) cho biết: Thời gian trung bình mỗi lần đăng kiểm sẽ mất trọn nửa buổi sáng hoặc nửa buổi chiều, tương đương gần với một ca làm việc nên lái xe không muốn nhận ca xe đó. Vì đầu tư đồng bộ hàng trăm xe một lần nên đến kỳ đăng kiểm Taxi Group sẽ có ngần ấy đầu xe phải dừng hoạt động. Taxi Group là hãng xe liên tục đầu tư phương tiện mới, niên hạn sử dụng chỉ từ 1 năm đến 5 năm, áp dụng Thông tư cũ các xe có niên hạn dưới 8 năm kể từ chu kỳ đăng kiểm đầu sẽ đăng kiểm định kỳ 12 tháng/lần, nhưng thực hiện Thông tư 70/2015/TT-BGTVT thì chỉ 1,5 năm sau chu kỳ đăng kiểm đầu sẽ phải đăng kiểm định kỳ 6 tháng/lần. Quy định này làm tăng gấp đôi chi phí kiểm định và thời gian ngừng kinh doanh để đưa xe đi kiểm định, chưa kể những phát sinh trong quá trình đăng kiểm.

Kẽ hở cần được xem xét

Trước tình hình trên, các doanh nghiệp KDVT và Hiệp hội Taxi đã đề nghị giữ nguyên chu kỳ đăng kiểm như thông tư cũ nhằm bảo đảm không tăng chi phí kinh doanh đầu vào, không làm gián đoạn thời gian kinh doanh sẽ có lợi cho cả người kinh doanh và khách hàng. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tỉ lệ xe taxi kiểm định không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật hiện nay khá cao, chiếm 15%, nên rút ngắn chu kỳ kiểm định để tăng cường kiểm soát chất lượng phương tiện là tất yếu.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, phân tích: Việc phân chia xe ô tô chở người các loại đến 9 chỗ kinh doanh và không KDVT để nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng phương tiện thông qua chỉ số ki lô mét lăn bánh, chứ không qua niên hạn hay việc bảo trì bảo dưỡng. Xe taxi hoạt động gần như 24/24 giờ, độ hao mòn máy móc sẽ gấp nhiều lần xe cá nhân chỉ sử dụng đi các chặng đường và thời gian nhất định.

Hiện tại, đang xảy ra tranh luận về chu kỳ đăng kiểm đối với các xe ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách như Uber hay Grab. Muốn tham gia Grab hay Uber, ô tô phải có hợp đồng với một tổ chức KDVT, thường là chủ xe ký hợp đồng liên kết với các hợp tác xã vận tải. Khi đó mới được Grab hoặc Uber kết nối đón khách. Nhưng khi đi đăng kiểm, để trốn chu kỳ 6 tháng/lần, lái xe hoặc chủ phương tiện không xuất trình hợp đồng vận tải này ra thì sẽ được coi là xe cá nhân, không KDVT và được đăng kiểm theo chu kỳ từ 12 tháng/lần đến 18 tháng/lần tùy thuộc vào niên hạn sản xuất từ 7 năm đến 12 năm.

Cùng nhằm bảo vệ tính mạng con người và cộng đồng, nhưng điều kiện kiểm soát an toàn kỹ thuật của các phương tiện ứng dụng khoa học, công nghệ để kết nối khách hàng với taxi truyền thống. Đây là kẽ hở cần được xem xét để tạo sự công bằng giữa các loại hình kinh doanh, đòi hỏi các cơ quan chức năng quan tâm, trả lời.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội Bùi Danh Liên: Nhiều lái xe taxi nêu thời gian bảo hành của các hãng ô tô ngày càng tăng giúp phương tiện bảo đảm các tiêu chuẩn quy định. Tuy nhiên, việc lái xe có đưa xe đến bảo hành không thì không kiểm soát được. Nên quy định tăng tần suất kiểm định dù có tăng chi phí nhưng bảo đảm an toàn phương tiện để hướng tới mục tiêu bảo vệ con người, bảo vệ cộng đồng.

Thùy Ngân